Văn mẫu lớp 8

Về nội dung tập Nhật Kí trong tù, Hoài Thanh đã nhận xét là Một tiếng nói chứa chan tinh thần nhân đạo. Em hãy phân tích một số bài thơ trong tập thơ này để làm rõ nhận định trên.

Về nội dung tập Nhật Kí trong tù, Hoài Thanh đã nhận xét là Một tiếng nói chứa chan tinh thần nhân đạo. Em hãy phân tích một số bài thơ trong tập thơ này để làm rõ nhận định trên.

Hướng dẫn

Tinh thần nhân đạo đã từ lâu trở thành cảm hứng chủ đạo, làm nên nội dung và giá trị to lớn của nhiều tác phẩm văn chương lỗi lạc trong nền văn học Việt Nam. Đạo lí "thương người như thể thương thân" và tinh thần nhân đạo trong thơ văn dân tộc tạo nên bản sắc nền văn hóa Việt Nam trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. "Nhật kí trong tù" gồm có "trăm bài trăm ý đẹp". Ngoài những tư tưởng lớn như thể hiện lòng yêu nước thương dân, sức mạnh tinh thần "đại vô úy" trước bạo lực, lòng khao khát tự do, tình yêu thiên nhiên thắm thiết,… tập thơ còn nói lên một cách cảm động tấm lòng yêu nước mênh mộng của nhà thơ Hồ Chí Minh đối với con người. Bác Hồ đã kế thừa truyền thống nhân ái của dân tộc và đã nâng lên thành tình nhân ái cách mạng. Cái đáng quý nhất là tiếng nói nhân ái ấy được thể hiện, được biểu lộ trong những ngày tháng "ác mộng" giữa chốn lao tù "sống khác loài người…" nếm trải đủ mùi cay đắng. Giá trị lớn nhất của "Nhật kí trong tù" "là một tiếng nói chứa chan tinh thần nhân đạo" như nhà văn Hoài Thanh đã ca ngợi.

Nhân đạo là thương yêu và giúp đỡ mọi người, là sự cảm thông, san sẻ, chở che đồng loại, là ý thức tôn trọng nhân phẩm, giá trị và quyền lợi chính đáng của con người. Nhiều bài thơ trong Nhật kí trong tù đã thể hiện sâu sắc, chân thành nội dung tinh thần nhân đạo cao đẹp ấy.

Nhật kí trong tù nói lên nỗi đau của con người bị chà đạp đau khổ, là sự cảm thông, san sẻ, chở che đồng loại. Trong hoàn cảnh bị đối xử dã man: "Bốn tháng cơm không no – Bốn tháng đêm không ngủ – Bốn tháng áo không thay – Bốn tháng không giặt giũ", thế mà Bác vẫn hướng tình thương của lòng mình tới những con người đau khổ. Bác gọi những người cùng bị cùm trói trong nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc là "bạn hữu" – những người bạn cùng chung hoạn nạn. Trong ngục tối, Bác xúc động khi nghe tiếng khóc của một em bé Trung Hoa cất lên tha thiết; lòng Bác đau đớn như nghe tiếng khóc của một em thơ Việt Nam trong cảnh đọa đày:

"Oa!…Oa!…Oa!…

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Xem thêm:  Phân tích bài thơ của chủ Hồ Chí MInh để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người

Phải theo mẹ đến ở nhà pha"

(Cháu bé trong ngục Tân Dương)

Trước kia, trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du xót xa, đau đớn khi "nghe" tiếng khóc của những linh hồn "tiểu nhi", mệnh yểu từ cõi âm vọng về – Mỗi câu thơ là một giọt khóc:

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha

Lấy ai bồng bế xót xa,

Uơ tiếng khóc thiết tha não lòng.

Cháu bé trong ngục Tân Dương là tiếng thương, là giọt khóc cho nỗi đau một bà mẹ, một em thơ trước cái vô lí, cái ác, cái bất công trong xã hội đang đè nát hồn người.

Bài thơ "Một người tù cờ bạc chết cứng" cũng là một tiếng nói chứa chan tinh thần nhân đạo":

Thân anh da bọc lấy xương

Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi…

Đêm qua còn ngủ bên tôi

Sáng nay, anh đã về nơi suối vàng.

Kẻ cờ bạc đậu phải là "thiện nhân"? Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Bài thơ như một lời ai điếu sâu nặng tình người. Nỗi thống khổcủa người "bạn tù", cái di hài "da bọc lấy xương" làm cho Bác đau đớn xót xa, bàng hoàng. Chết thê thảm trong "đói rét" và "khổđau". Bác nhìn người chết nằm co quắp trong ngục tối mà nhớ lại một kỉ niệm của "nạn hữu" đầy tình người: "Đêm qua còn ngủ bên tôi…" Bài thơ là cả một nỗi niềm ám ảnh và thương xót mênh mông.

Vợ người tù đến nhà lao thăm chồng như một đoạn phim cận cảnh, mà nhà thơ ái ngại, thượng cảm, đau đớn lặng nhìn. Cái song sắt nhà tù thật đáng sợ. Cả bài thơ về tiếng thở dài, là khóe mắt e ngại đau khổ, là suối lệ. Và còn có lòng thương xót vô tận, bao la:

Anh ở trong song sắt,

Em ở ngoài song sắt,

Gần nhau chỉ tấc gang

Mà cách nhau trời vực

Miệng nói chẳng nên lời

Chỉ còn nhờ khóe mắt

Chưa nói, lệ tuôn trào

Cảnh tình đáng thương thật!.

"Thấy người hoạn nạn thì thương"… ông cha ta vẫn nhắc nhởcháu con như vậy. Thương nỗi đau của con người là nhân ái, là lẽ đời, là tình người. Những bài thơ trên đây nói lên một quan niệm nhân sinh cao cả. Hồ Chí Minh đã sống trong tình thương, hướng lòng mình về hạnh phúc của đồng loại, cảm thông với nỗi đau của con người… "Bác ơi, tim Bác mênh mông thế…" (Tố Hữu).

Nhật kí trong tù là tình thương, là tấm lòng trân trọng, kính trọng nhân phẩm, giá trị của con người. Ăn bát cơm dẻo thơm, ta nhớ tới công ơn nhà nông "một nắng hai sương, xay giã giần sàng…. "Đi trên những con đường xuôi ngược, ra vào, mấy ai trong đoàn bộ hành nghĩ đến những phu làm đường như Bác?

Xem thêm:  Phát biểu suy nghĩ của em về niềm vui, nổi buồn tuổi thơ hoặc tình cảm với một món đồ chơi

Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi

Ngựa xe hành khách thường qua lại

Biết cảm ơn anh được mấy người?

(Phu làm đường).

Cả bài thơ là một tấm lòng nhân hậu biểu lộ tình cảm "uống nước nhớ nguồn". Công sức của người lao động được khẳng định ngợi ca. Tứ thơ tỏa sáng vẻ đẹp nhân văn vì đã thấm nhuần "Tình yêu thương mênh mông và lòng kính trọng vô hạn đối với con người" (Biêlinxki).

San sẻ tình thương, cảm thông với nỗi đau của đồng loại là biểu hiện cụ thể và cao cả của tình cảm nhân đạo. Li biệt là nỗi đau của con người xưa nay. Bịtù tội mà chịu cảnh li hương, biền biệt xacách gia đình vợ con là nỗi đạu vô hạn, nỗi bất hạnh như được nhân lên nhiều lần. Bài thơ Người bạn tù thổi sáo để lại nhiều day dứt, đau xót trong lòng ta:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu.

Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu

Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi

Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

Tiếng sáo nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ vợ con thấm một nỗi buồn tê tái. Người khuê phụ ở cuối chân trời xa xôi lên lầu cao ngóng đợi tin chồng đang sống trong cảnh tù tội. Người cách mạng bị lưu đày đêm ngày nhớ nước nên mới có tình thương, sự đồng cảm sâu xa đối với những bi kịch trong tình yêu chia cách như vậy.

Thương người nên mới có niềm tin đối với con người. Chốn ngục tù đầy rẫy sự quay quát, lừa lọc, là nơi cái ác phơi bày. Chiếc gậy của Bác còn bị lính ngục đánh cắp! Phải nộp tiền đền. Phải mua nước! Phải nộp tiền cho quản ngục để có chỗ nằm! Vân vân… Nhưng cũng có vài người nhân đức. Và Bậc đã nói về họ với nhiều tâm trạng sâu xa. Đó là tiên sinh họ Quách "ân cần đối đãi ta" – "Rét đến cho than”không mấy kẻ – “Đời này người thế vẫn còn mà". Đó là trưởng ban họ Mạc:

Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp

Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân

Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ.

Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân.

Cái nhìn của Bác rất nhân hậu. Cái nhìn ấy, cái tâm ấy tỏa sáng bài thơ vềtình người và niềm tin vào nhân phẩm của con người. Có lúc Bác nghĩ đến số phận, đến bát cơm manh áo của mọi người. Có thương người nhiều mới có tấm lòng ưu ái ấy. Nhìn cảnh hạn hán mất mùa mà Bác lo và thương nhà nông:

Nghe nói xuân nay trời đại hạn

Xem thêm:  Soạn bài hãy giải thích câu nói của M.gor – ki Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức. Chỉ có kiến thức mới là con đường sống

Mười phần thu hoạch chỉ vài phân.

(Long An – Đồng Chính).

Thương người, ấy là san sẻ. Đau cho nỗi đau, lo cho nỗi lo của đồng loại, vui niềm vui của mọi người, ấy là nhân đạo. Chân thật và chân tình là cái tâm của Bác. Vì thế mới có tiếng cười, câu hát của nhà nông vọng vào thơ Hồ Chí Minh:

Khắp chốn nông dân cười hớn hở

Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.

(Cảnh đồng nội)

Tình nhân ái của Bác Hồ là tình nhân ái cách mạng. Có nhiều quần chúng đã gắn bó với cách mạng, và vì cách mạng mà hi sinh. Bài thơ "Dương Đào ốm nặng" chứa chan tình người và tình cảm cách mạng. Dương Đào là một thanh niên nông dân Trung Quốc có tình cảm với cách mạng Việt Nam. Anh đưa đường cho Bác, Bác bị bắt, anh bị cầm tù. Anh ốm nặng rồi chết đau đớn trong cảnh tù ngục.

Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao

Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào

Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết

Nay lại thương anh mắc chứng lao.

Phảng phất một nỗi niềm ân hận, không đành lòng vì mình mà người bị "cháy thành lây vạ". Xót xa thương cảm bao nhiêu lại biết ơn anh Dương Đào bấy nhiêu. Bác Hồ có bao giờ quên anh. Cách mạng Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn anh.

Tóm lại, Bác Hồ có cái tâm đẹp nên Bác "yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa" (Hoàng Trung Thông). Cái gốc của tinh thần nhân đạo của Bác là lòng yêu nước và tình cảm cách mạng. Ý kiến trên đây của Hoài Thanh rất đúng đắn và sâu sắc. Tấm lòng Hồ Chí Minh và hồn thơ Hồ Chí Minh chứa chan tinh thần nhân đạo. Bác làm cách mạng vì hạnh phúc của con người. Thơ Bác đã hướng tình nhân ái đến mọi người. Đọc Nhật kí trong tù ta càng thấm thìa cảm nhận "Điểm nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chí Minh là lòng yêu thương con người" (Trường Chinh).

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Post Comment