Đề bài: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông – Bài tập làm văn số 2 lớp 12.
Bài làm:
Những năm qua, tai nạn giao thông đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Trong nỗ lực giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông thì dường như lại ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng cướp đi sinh mạng của những con người vô tội và để lại nỗi đau cho người thân, gia đình và xã hội. Không thể khoanh tay đứng nhìn thực trạng ấy, chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước phải đứng lên, tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo một con số thống kê được của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong năm 2017 vừa qua trên cả nước đã xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông. Trong đó làm chết hơn 8 nghìn người và làm bị thương hơn 17 nghìn người. Mặc dù so với năm trước đó số vụ tai nạn, số người chết và bị thương có giảm nhưng vẫn có quá nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc không đáng có. Còn nhớ những vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của cả chục người. Thiệt hại về của khoan tạm thời chưa nói đến. Thiệt hại về người mới thật đáng thương tâm. Người thì để lại trên mình những vết thương tật mãi mãi chẳng thể nào chữa lành. Người thì đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại cho người sống những nỗi tiếc thương vô hạn.
Nguyên nhân của những vụ tai nạn như trên do đâu mà có? Xin chớ vội đổ lỗi cho ai mà trước hết chúng ta nên tự nhìn lại chính bản thân mình. Liệu trong số các bạn có ai dám tự tin đứng lên mà nói tôi am hiểu tất cả các luật lệ giao thông, tôi lúc nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Xin thưa là hiếm lắm. Đó là do ý thức của chúng ta chưa tốt. Các cụ xưa có câu, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Câu nói ấy chẳng sai một chút nào. Giống như khi chưa vấp ngã, bạn sẽ không biết cảm giác đau đớn sẽ ra sao. Hàng ngày chúng ta vẫn đến trường đi học trên con đường quen thuộc. Tôi đã chứng kiến nhiều người lạng lách, đánh vóng, không đội mũ bảo hiểm rồi vượt đèn đỏ. Họ cho rằng việc đội mũ hay dừng đèn đỏ chỉ là để đối phó với công an mà không nghĩ rằng đó là việc làm để bảo vệ mình. Bạn biết không, chính người anh họ của tôi đã qua đời cách đây không lâu vì đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm lại vượt đèn đỏ. Nguy hiểm luôn rình rập trước mắt và chúng ta chẳng bao giờ có thể lường trước được.
Một nguyên nhân nữa là do sự thiếu hiệu biết, tư lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến sự an nguy tính mạng người khác. Chẳng hạn như việc lấy trộm ốc vít đường ray hay có những người mở hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Tất nhiên, không thể không kể đến sự hạn chế về cơ sở vật chất. Đường phố chúng ta đang đi không phải đoạn nào cũng đẹp. Có những nơi đường đi lại gập ghềnh, nhiều ổ voi, ổ gà. Người đi không quen rất dễ gặp nguy hiểm. Chưa kể đến các phương tiện sử dụng nếu không được kiểm tra kĩ trước khi đưa vào sử dụng thì những sự cố không mong muốn nếu chẳng may xảy ra cũng khiến con người gặp phải tình thế nguy hiểm. Năm vừa qua đã có không ít vụ xe đang đi bỗng dưng bốc cháy. Đây không phải là sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát bởi nếu chúng ta kiểm tra xe kĩ lưỡng thì đã có thể dự phòng được tình huống xấu.
Người lái ẩu thiệt mạng đã đành nhưng có đôi khi người chấp hành luật lệ, đi đúng làn đường cũng gặp rủi ro vì chính những người lái ẩu. Oan uổng thay có những người vì tránh sự lạng lách của các bạn học sinh mà trở nên lệch tay lái và thiệt mạng hoặc gây thương vong. Tôi biết có nhiều vụ học sinh chính là nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn giao thông cho người khác. Đáng tiếc và đau lòng thay.
Đã đến lúc chúng ta không thể ngồi yên được nữa mà phải cùng nhau chung tay xây dựng một nếp sống văn hóa giao thông. Chưa cần làm điều gì cao siêu, trước hết bản thân mỗi người cần phải hiểu và nắm vững các kiến thức về an toàn giao thông. Những điều đơn giản như dừng chờ khi đèn đỏ cũng cần được ghi nhớ.
Hiểu được rồi thì khi đi ra đường chúng ta cũng nên biết chấp hành, không lạng lách, không đánh võng, không vượt đèn đỏ, không đi hàng hai, hàng ba, khi băng qua đường phải có xi nhan, đi đúng phần đường quy định và đi đúng tốc độ cho phép. Nếu đi bộ thì đi trên vỉa hè, băng qua đường bằng đường dành cho người đi bộ theo đúng tín hiệu của đèn báo giao thông. Khi gặp người già yếu, em nhỏ cần giúp đỡ họ đi qua đường một cách an toàn.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng nên tuyên truyền luật lệ an toàn giao thông đến cho mọi người để tất cả cùng tuân thủ chấp hành.
Vấn đề an toàn giao thông không phải là chuyện của một người, cũng không phải là chuyện của một nhà mà đó là chuyện của toàn xã hội. Chỉ khi chúng ta cùng chung tay thì xã hội mới có thể trở nên tốt đẹp hơn. Tuổi trẻ hôm nay hãy hành động vì chính vì và hành động vì toàn xã hội.
Nhã Đan