Đề bài: Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
Bài làm
Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn đặc sắc của Tô Hoài viết về cuộc sống của người dân miền núi Tây Bắc. Họ là những con người hiền lành, chất phác nhưng lại phải chịu ách thống trị tàn bạo của địa chủ phong kiến. Trong truyện nổi lên là các nhân vật như Mị, A Phủ, họ chính là đại diện tiêu biểu cho lớp người nông dân dù chịu khổ cực nhưng vẫn vươn lên khát vọng làm người.
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được rút ra từ tập “truyện Tây Bắc” được tác giả Tô Hoài viết vao năm 1953. Truyện được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của ông. Thông qua tác phẩm này, Tô Hoài đã cho thấy một giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Đó là tiếng nói bảo vệ con người, bảo vệ quyền làm người.
Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ viết về cuộc đời có phần cơ cực và bất hạnh của hai nhân vật đó là Mị và A Phủ. Họ đều là những người nông dân nghèo khổ. Mỗi người một xuất thân nhưng cuối cùng đều phải đi ở đợ cho nhà thống lí Pá Tra để gạt nợ. Thống lí Pá Tra là đại diện cho bọn địa chủ phong kiến chuyên đi ăn hiếp những người yếu thế hơn mình.
Đọc truyện, chúng ta thương xót cho Mị. Mị vốn là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, thổi lá rất hay. Ở tuổi của Mị, các cô gái phải được đi chơi, được kén chọn người yêu. Nhưng Mị thì sớm phải đi làm dâu cho nhà thống lí để trừ vào số nợ của gia đình. Để rồi những năm tháng thanh xuân Mị sống lầm lũi như một con rùa rụt cổ. Lúc nào Mị cũng cúi gằm mặt. Cái ô cửa sổ chỉ bé bằng bàn tay giống như khát vọng trong con người Mị. Nó bị che lấp bởi sự tàn ác của xã hội. Khi nhìn qua ô cửa sổ, Mị chỉ nhìn thấy mờ mờ. Đã có lúc Mị nghĩ mình cứ sống như vậy cho qua ngày. Nhưng có những khi, sức sống trong Mị trỗi dậy, Mị muốn được ra ngoài, Mị muốn được đi chơi Xuân. Nghe thấy tiếng sáo gọi bạn tình, trong lòng Mị lại rạo rực.
A Phủ cũng như Mị. Chỉ vì xích mích với A Sử, con trai nhà thống lí mà A Phủ bị bắt về ở đợ để trả nợ. A Phủ để hổ vồ mất con trâu nên bị nhà thống lí trói vào cột, rồi bị đánh đập tàn nhẫn. Sống kiếp con người mà chẳng khác nào sống kiếp trâu ngựa. Mị hay A Phủ đều là những con người đang phải sống kiếp trâu ngựa. Mị tuy là con dâu nhưng không khác gì kẻ ở. Hàng ngày Mị đi qua A Phủ, Mị đã cố dặn lòng mình xem A Phủ như kẻ chết đứng. Nhưng bản chất bên trong con người, Mị đã thương cho số phận của A Phủ. Mị cũng thương cho chính mình. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy A Phủ khóc, Mị đã cởi trói cho A Phủ để cả hai cùng bỏ trốn. Họ rời Hồng Ngài để đi theo cách mạng.
Thông qua truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã lên án tố cáo cái tàn khốc của địa chủ phong kiến miền núi. Họ chà đạp lên quyền sống của con người với những hủ tục lạc hậu. Con người bị lệ thuộc vào cường quyền mà không sao ngóc đầu lên được. Nhưng thông qua tác phẩm, Tô Hoài cũng cho thấy giá trị nhân đạo sâu sắc. Ông nhìn thấy và cảm thông cho nỗi khổ của những người dân lương thiện. Để Mị và A Phủ đến với nhau, đến với cách mạng là Tô Hoài muốn mang tình yêu và ánh sáng tới cho người dân miền núi. Chỉ cần họ dám đứng lên chống lại sự thống trị của địa chủ phong kiến, họ ắt sẽ là người chiến thắng giống như Mị đã dám đứng lên để bảo vệ lẽ phải.
Từ sâu thẳm bên trong mỗi con người luôn có một sức sống tiềm tàng. Xã hội tàn khốc có thể lấy đi của họ khát vọng yêu thương, lấy đi của họ sự tự do và những niềm vui ngày thường nhưng không thể lấy đi được sức sống tiềm tàng của con người. Cái sức sống ấy chỉ cần một mồi châm nhỏ sẽ sẵn sàng bùng cháy lên bất cứ lúc nào.
Nhờ có Vợ chồng A Phủ, chúng ta thêm hiểu và thêm yêu những con người miền núi. Đồng thời cảm mến cái giá trị nhân văn sâu sắc mà Tô Hoài mang tới thông qua tác phẩm này.
Nhã Đan