Văn mẫu lớp 11

Phân tích tác phẩm Tương tư của Nguyễn Bính

Phân tích tác phẩm Tương tư của Nguyễn Bính

– Tương tư là nhớ nhau. Trai gái nhớ nhau. Đó cũng là một thi đề muôn thuở của thơ ca. Cũng như các nhà thơ mới cùng thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu. Nhưng tình yêu trong thơ Nguyễn Bính có một dạng thức riêng, đi theo một lối riêng.

Ví như cùng viết về nỗi nhớ thương da diết trong tình yêu đôi lứa mà giữa Tương tư của Nguyễn Bính và Tương tư chiều của Xuân Diệu, khác nhau biết mấy! Xuân Diệu “rất Tây”, Nguyễn Bính thì “chân quê”, cả hai đều có sức hấp dẫn riêng.

“Cái tôi” trong thơ Nguyễn Bính không nổi lên mà tan vào không gian đồng quê. Nhà thơ không dùng câu chữ cầu kì. Người đọc có thể hiểu dễ dàng qua trực cảm không cần suy tư gì cả:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Chủ thể trữ tình là một chàng trai thôn Đoài đa tình. Người con trai đang yêu này là người có huyết mạch sâu xa với làng mạc quê hương. Từng lời, từng câu, cách nói, lối nói có dây mơ rễ má với thơ ca dân gian. Các cụm từ “ngồi nhớ”, “chín nhớ mười mong” gợi nhớ câu ca dao:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.

Nguyễn Bính thường hay cụ thể hóa cái trừu tượng của ca dao, cụ thể ra thành con số kiểu như: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo – Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”, nhưng ông lại đặt trong một cấu trúc điêu luyện của riêng thơ ông: “Một người chín nhớ mười mong một người”. “Một người” đứng ở hai đầu câu thơ, diễn tả sự xa cách, nhớ mong như vậy thật là độc đáo, thật là hay.

Tâm trạng của người con trai yêu đơn phương cũng được mở ra trong không gian:

Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng.

Xem thêm:  Biểu cảm cảm xúc vườn nhà em lớp 7

Nói là “bệnh” nhưng đó chính là thuộc tính vốn có tự nhiên của trời đất, của con người. Nhiều người trẻ tuổi nhớ câu thở này bởi nó nói hộ họ rất nhiều cái nỗi Tương tư mơ hồ, mênh mang trong lòng. Nhiều người cứ tưởng là ca dao chứ không biết là thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Đó là niềm vinh quang của thi sĩ đồng quê này.

– Nhớ mong đơn phương là “quyền được yêu” của con người. Còn “người kia” có lẽ cũng chỉ là tưởng tượng, là cái cớ để nhà thơ bộc lộ cái “bệnh” đa tình thi sĩ của mình mà thôi. Cho nên cái nhớ, cái yêu ở đây có tha thiết, có nóng lòng suốt ruột mà vẫn nhẹ nhàng. Rồi mong đợi, rồi trách móc cũng hết sức nhẹ nhàng:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Thật là tội nghiệp cho người trách và cũng tội nghiệp cho cả người bị trách – “thôn Đông” (trong tưởng tượng) đã lọt vào “tầm ngắm” của anh trai quê “thôn Đoài”. Rồi than thở:

Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Lối điệp từ láy chữ “ngày lại ngày lại…” như các nốt luyến láy trong nhạc điệu dân ca, trong chèo tạo nên âm hưởng uyển chuyển của câu thơ, phô diễn tâm trạng “sâu đọng càng lắc càng đầy” trong lòng người con trai đang yêu.

– Thế rồi chàng “thôn Đoài” lại “mát mẻ” với người chàng yêu trong mộng:

Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã dành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…

Thực tế điều này là vô lí. Vô lí bởi chàng trai ngồi chờ thụ động. Nhưng nghĩ kĩ lại không vô lí. “Cách một đầu đình”, không “cách trở đò giang” mà vẫn xa xôi, thế thì chưa thể nói là yêu. Nếu đã yêu thì dù đò giang, núi đèo ngăn cách đến mấy cũng vượt qua được theo tiếng gọi của tình yêu. Cho nên những lời trách cứ mát mẻ kia cũng chỉ là để vơi nhẹ nỗi buồn, nỗi nhớ vô vọng mà thôi. Người đọc thông cảm với tâm trạng ấy, hiểu thêm được những sắc thái tinh tế và phức tạp của tình yêu: yêu chưa được gặp (vì chỉ ở một phía) thì cứ ngẩn ngơ, giả định, đợi chờ, nghĩ ngợi lung tung.

Xem thêm:  Bài 18 - Phép phân tích và tổng hợp

– Vẫn chưa thỏa, anh trai quê còn kể lể:

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!

Kể lể như vậy chỉ là để bộc lộ tình yêu tha thiết của riêng anh thôi. Còn thì anh yêu ai, nhớ ai và chắc gì đã có ai yêu lại, chỏ có một mình anh hay, một mình biết. Những từ “ai” phiếm chỉ được lặp đi lặp lại nghe thật não lòng, khiến ta nhớ đến câu ca dao: “Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai”. Nhớ mong cứ não nề bởi mong ước ấy khó có thể trở thành hiện thực:

Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Ở đây ta lại bắt gặp sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật ca dao của thi sĩ hồn quê Nguyễn Bính. Trong ca dao, bến và hoa là những biểu tượng tĩnh, ám chỉ người con gái; đò và bướm là những biểu tượng động, để chỉ người con trai. Nguyễn Bính đã khéo léo biểu đạt tình yêu của đôi trai gái dân quê. Sao lại “bao giờ bến mới gặp đò”? Chẳng bao giờ có chuyện đó. Lại còn “hoa khuê các” làm sao gặp “bướm giang hồ”! Đúng là Nguyễn Khuyến đã thổi chút tình lãng mạn của thời đại vào tình hoa – bướm, bến – đò dân dã, giản dị làm cho cuộc tình ấy có gì đó vừa duyên dáng, dễ thương vừa hiện đại mới lạ.

– Ở đoạn kết bài thơ trở về với giai điệu ban đầu, có thêm vài biến tấu:

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Xem thêm:  Phân tích tâm hồn bé Liên

Giai điệu ban đầu với hình ảnh cặp đôi thôn Đoài – thôn Đông được nhắc lại nhưng có thêm cặp biểu tượng của tình yêu cau – giầu không. Điều đó càng khẳng định sâu thẳm trong nỗi Tương tư của anh trai quê kia là niềm khao khát được gần kề, được chung tình, được sánh đôi: “Miếng trầu với lại quả cau – Làm sao cho đỏ với nhau thì làm” (Ca dao). Niềm khao khát ẩy chỉ là khát khao đơn phương, “thôn Đoài” nhớ “thôn Đông”, người nhớ người, cau nhớ giầu nhưng không làm sao “đỏ với nhau” được. Tình yêu gắn với hôn nhân dường như là đặc điểm của quan niệm về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, một đặc trưng của “cái tôi” Nguyễn Bính trong thơ mới lãng mạn.

Bằng tài hoa và tâm huyết với thơ ca dân gian, Nguyễn Bính là một trong số ít nhà thơ vẫn giữ được chút  "hương đồng gió nội" cho thơ mình. Sức hấp dẫn của bài Tương tư không chỉ ở chuyện Tương tư với nhiều phức điệu mà còn ở tấm lòng tha thiết với nhà thơ với cảnh và người thôn quê, sự nâng niu, trân trọng và học hỏi của nhà thơ với nghệ thuật dân tộc.

Post Comment