Văn mẫu lớp 11

Phân tích tác phẩm Tôi yêu em của Pu – skin

Phân tích tác phẩm Tôi yêu em của Pu – skin

1. Đặc điểm về nội dung

– Đây là một bản dịch hay và tương đối sát nghĩa song chưa lột hết được cái hay của nguyên bản. Trước hết, là thời của động từ, trong nguyên bản là "Tôi đã yêu em" chỉ một hành động đã thuộc về quá khứ, chỉ còn là kỉ niệm, một hành động được nhớ lại, hồi tưởng lại. Từ em ở đây là cách nói trang trọng tương ứng với đại từ nhân xưng ngôi thứ hai với số nhiều trong nguyên bản. Hình ảnh "ngọn lửa tình" không có trong nguyên bản mà do dịch giả thêm vào. Có thể hình ảnh này được gợi ra từ động từ tắt trong nguyên bản.

– Trong bài thơ này, nhà thơ và nhân vật trữ tình đồng nhất với nhau và xuất hiện ở ngôi thứ nhất qua cách xưng hô tôi. Cần lưu ý điều này để phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhân vật em ở đây không xuất hiện mà chỉ là đối tượng để chủ thể trữ tình hướng đến để giãi bày, bộc bạch và trao gửi tâm tình.

2. Đặc điểm nghệ thuật

a) Kết cấu bài thơ

Bài thơ chỉ có tám câu, được chia tự nhiên thành hai đoạn và được phân định bằng dấu chấm câu; cho nên có thể coi bài thơ dựa trên hai câu lớn, mỗi câu có bốn dòng thơ, tạo thành kết cấu hay phần của bài thơ. Tuy số lượng câu thơ ít nhưng lại chồng chất nhiều lớp nghĩa, tạo ra một hình thức trùng điệp để nhấn mạnh cảm xúc tâm tư. Do đó, cần thâm nhập vào văn bản thật tốt.

– Hoàn cảnh đặc biệt xuất hiện ở đây là người đang yêu mãnh liệt phải tự nguyện từ bỏ, tự nguyệt cắt đứt hay quên đi người tình mà mình đang theo đuổi. Đây là tiếng lonhg của giã biệt, chia tay mãi mãi. Trong hoàn cảnh đó, có thể xuất hiện nhiều hình thức phản ứng khác nhau. Pu – skin chọn hình thức giãi bày tâm trạng, chủ động nhận về mình tính chất đơn phương một chiều để rút lui, để bảo vệ tình yêu mà mình đã theo đuổi. Mở đầu hai khổ thơ (câu 1 và câu 5) đều là cụm từ "tôi yêu em" (chứ không phải "chúng ta đã yêu nhau", "mối tình của chúng ta") để đi đến câu 7, cụm từ này lại xuất hiện lần nữa tạo nhịp kết thúc cho câu chuyện tình yêu. Nói cách khác là Pu – skin không gặp được sự đồng cảm đồng tình, không có được sự cộng hưởng đồng điệu từ phía người con gái.

Xem thêm:  Bi kịch của người trí thức trong tác phẩm Đời thừa có điểm gì giống và khác với bi kịch của người nông dân trong tác phẩm Chí Phèo.

– Khi đã tự nhận là tình yêu đơn phương thì vấn đề đặt ra là nhà thơ có yêu thật lòng không? Thông thường trong cuộc sống có không ít người rơi vào tình trạng, vào hoàn cảnh yêu thương một chiều như vậy. Điểm khác biệt giữa mối tình đơn phương mà nhà thơ dành cho người con gái ấy với những người khác ở khía cạnh chân thành thông qua sự đam mê say đắm.

– Hai khổ thơ cho thấy hai mức độ yêu của tác giả. Hai câu đầu:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

dịch nghĩa: 

Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ
Chưa tắt hẳn trong tâm hồng tôi;

Hai câu cuối:

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Dịch nghĩa:

Tôi yêu em chân thành như thế, dịu dàng như thế
Cầu Trời cho em được người khác (cũng) yêu (chân thành, dịu dàng) như thế.

Mức độ yêu đó tại ra sự đối vị, tạo nhịp nhấn để khẳng định sự chân thành tha thiết của nhà thơ. Để từ đó đi đến cách giải pháp mà nhà thơ tự chọn, tự quyết định cho mình.

– Tình yêu của nhà thơ tuy đơn phương nhưng không phải là thứ tình cảm tầm thường mà luôn có xu hướng vươn về cái cao cả. Ở đây ta gặp kiểu tình yêu vị tha, đơn phương, sôi nổi, chân thành. Trước hết đây là tình yêu nam nữ bình thường như bao mối tình khác. Người con trai rung động trước vẻ đẹp của người con gái và đem lòng yêu, quyết tâm theo đuổi. Ta có thể suy luận ý nghĩa của câu thơ "Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai" để thấy được rằng tình yêu trong lòng tác giả vẫn còn vương vấn. Tình yêu của nhà thơ đối với người con gái cũng diễn ra giống như bao người bình thường khác. Câu thơ "Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen" hay câu thơ thứ 5: "Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng" để thấy được sự bất ổn xuất hiện trong mối tình giữa tác giả và người con gái. Sự bất ổn này đặt nhà thơ vào sự lựa chọn bắt buộc: đó là chấm dứt mối tình.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

– Cách giải quyết vấn đề của tác giả mang tính chất vị tha. Trước hết là để cho người con gái không phải "bận lòng thêm nữa", lại càng không muốn để cho "hồn em phải gợn bóng u hoài" (nguyên tác: "Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì"). Nhà thơ không những tự nhận lỗi về mình, không hề oán giận người yêu mà còn khẳng định với người con gái ấy về tình yêu "chân thành, đằm thắm", là đã yêu hết lòng.

– Đỉnh cao của tình yêu vị tha ấy là lời cầu chúc kết thúc bài thơ: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" (nguyên tác: "Cầu trời cho em được người khác (cũng) yêu (chân thành, dịu dàng) như thế"). Ý nghĩa của câu thơ này là sự cao thượng của tình yêu. Có thể so sánh với câu hát quan họ trong bài Giã bạn:

Người về em dặn câu rằng
Đâu hơn thì lấy, đâu bằng đợi em

Cũng có thể suy luận là, ở câu thơ này nhà thơ dường như muốn thách thức người con gái tìm được một người tình chân thành, đằm thắm như mình. Ở đâu nhà thơ tự so sánh ngầm tình yêu của mình với "người khác" mà "người khác" này có thể đã được người con gái chấp nhận. Sự so sánh đó cho thấy niềm tự hào được yêu được sống hết mình vì tình yêu đã lựa chọn, tất nhiên là tình yêu vị tha, không vụ lợi.

b) Ngôn ngữ nghệ thuật

Tình yêu nam nữ là loại tình cảm phổ quát của nhân loại, gắn liền với thái độ ứng xử thẩm mĩ có văn hóa mà người ta gọi là văn hóa yêu đương hay văn hóa ứng xử trong tình yêu, thể hiện trước hết trong quan hệ đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

– Tôn trọng qua cách xưng hô: Tôi/em, lưu ý nội hàm của đại từ nhân xưng tôi (có tính chất riêng lẻ, cô đơn, hàm chưa nỗi đau ngấm ngầm).

– Tôn trọng sự lựa chọn của người mình yêu: không phản bác mà tự nguyện chấp nhận sự lựa chọn của người con gái, cũng không hờn dỗi trách móc hay oán thán, tự nhận về mình trách nhiệm đã làm người con gái phải "bận lòng", phải "u hoài".

– Cho dù trong quá trình theo đuổi, nhà thơ "Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen", song nhà thơ đã không để ghen tuông lấn át lí trí. Trong tình yêu, thường có hiện tượng "Yêu nhau cái gì cũng cho – Ghét nhau một mảnh quạt mo cũng đòi", dẫn đến hiện tượng nói xấu, gièm pha, hay thóa mạ lẫn nhau. Nhà thơ đã vượt qua thói đời tầm thường ấy bằng mong muốn cũng rất chân thành, song có chút ít thách đố là "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Ở đây, nhà thơ vẫn khẳng định tình cảm chân thành, đằm thắm của mình nhưng cũng tự nguyện chấp nhận chia tay để người con gái được thanh thản bước đi trên con đường mà cô đã lựa chọn. Tình yêu không phải sự ép buộc mà tình yêu là một sự tự nguyện: tự nguyện của những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu. Và khi hai con tim đã không cùng chung nhịp đập thì tình yêu cũng không còn và việc chia tay, giã từ là điều tất yếu. Song, chia tay không phải để trở thành đối lập, thù địch của nhau mà chia tay để nối thêm, mở rộng tình đời. Đó là văn hóa ứng xử trong tình yêu.

Xem thêm:  Chứng minh câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”     

– Cách bộc bạch chân thành, không giấu diếm, luôn luôn đề cao vẻ đẹp của tình yêu, của tình cảm thiêng liêng dành cho người con gái, cho thấy sự độc đáo của cách thức thổ lộ tâm trạng tình cảm riêng tư của Pu – skin và cách trữ tình của nhà thơ.

Tôi yêu em khá tiêu biển cho phong cách trữ tình "điệu nói" của Pu – skin. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, thể hiện lời giãi bày với tình yêu với giọng điệu thay đổi một cách sinh động, chân thực: từ phân vân, ngập ngừng tới kiên quyết dứt khoát rồi lại day dứt, dằn vặt để cuối cùng thiết tha, điềm tĩnh. Qua đó ta thấy được những phức cảm tinh tế của nhân vật trữ tình (trong quan hệ nhiều chiều giữa lí trí và tình cảm, vị kỉ và vị tha,…). Chính vẻ đẹp tâm hồn đó làm nên sức hấp dẫn của thơ tình Pu – skin.

Post Comment