Văn mẫu lớp 11

Phân tích tác phẩm Tình yêu và thù hận trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Uy-li-am-sếch-xphia

Phân tích tác phẩm Tình yêu và thù hận trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Uy-li-am-sếch-xphia

1. Đặc điểm về nội dung

Đoạn trích Tình yêu và thù hận, trích lớp 2, hồi II của vở kịch. Cảnh này xảy ra sau khi  Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã gặp gỡ nhau trong đêm dạ hội hóa trang tại nhà Ca-piu-lét trước đó vài giờ. Tại đó và chính từ cuộc gặp gỡ đó mà tình yêu giữa họ đã nảy sinh.  Rô-mê-ô đã thốt lên: "Nàng là họ Ca-piu-lét sao? Ôi oan trái yêu quý. đời sống của ta nay nằm ngay trong tay người thù" và Giu-li-ét cũng nhận thức được điều đó: "Một mối thù sinh một mối tình – Vội chi sớm gặp, biết đành muộn sao! – Tình đâu trắc trở gian lao – Hận thù mà lại khát khao ân tình". Cả hai đều đã nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.

a) Một số vấn đề cần lưu ý

Trong đoạn trích gồm mười sáu lời thoại, cần lưu ý về những chữ in nghiêng, tức là các chỉ dẫn trên sân khấu. Đó là các chỉ dẫn: "Vườn nhà Ca-piu-lét. Rô-mê-ô-ra", chỉ dẫn này cho thấy không gian, địa điểm nơi sẽ xảy ra cuộc gặp gỡ khác thường, đồng thời giới thiệu nhân vật  Rô-mê-ô. Tiếp đó gắn với câu mở đầu lời thoại đầu tiên là một chỉ dẫn khác: "Giu-li-ét xuất hiện trên cửa sổ", giới thiệu nhân vật thứ hai của đoạn trích. Ở lời thoại thứ năm có một chỉ dẫn trên sân khấu nữa là: "nói riêng", tức là nói một mình, mình nói chỉ để mình nghe, chỉ ra cách thức bắt buộc nhân vật phải hành động theo. Các chỉ dẫn sân khấu gắn với khả năng tưởng tượng của tác giả nhằm tạo ra một tình huống, một hoàn cảnh giống thật khiến cho câu chuyện trở nên sinh động hơn; đồng thời các chỉ dẫn trên sân khấu còn mang tính quy ước qua đó nhân vật phải tuân theo những hành động bắt buộc (nói riêng, chạy, làm các động tác kịch,…).

b) Nhân vật

Đoạn trích chỉ có hai nhân vật:  Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Cả hai đều đang ở trong tình trạng hứng khởi bởi tình yêu vừa lóe lên, vừa mới được thắp sáng trong tâm tư tình cảm của cả hai. Xét về mặt trạng thái tâm lí thì cả hai đều đang trong tâm trạng được yêu, đang yêu, đang hướng về nhau. Do đó, cả hai đều chủ động thổ lộ cho nhau những điều thật nhất của tâm tư tình cảm của riêng mình. Khi phân tích một vở kịch, việc khai thác xung đột kịch là cần thiết. Song xung đột kịch không phải được dàn đều trong mọi cảnh kịch. Xung đột trong toàn vở  Rô-mê-ô và Giu-li-ét là xung đột giữa tình yêu chân thành, trong trắng với hận thù của hai dòng họ. Trong đoạn trích Tình yêu và thù hận, xung đột đó không nổi lên trên bình diện hàng đầu mà ở đây chỉ là tình yêu bất chấp thù hận.

c) Tác giả

Vai trò của tác giả trong kịch nói chung chỉ thể hiện chủ yếu qua các chỉ dẫn sân khấu mà không can thiệp các hàng động kịch cũng như không có bình luận hay đánh giá theo kiểu trữ tình ngoại đề thường gặp trong truyện ngắn hay tiểu thuyết.

2. Đặc điểm về nghệ thuật

a) Kết cấu đoạn trích

Đoạn trích có mười sáu lời thoại, gồm hai loại: sáu lời thoại đầu mang tính chất độc thoại nội tâm, mười lời thoại còn lại là đối thoại. Khi nói chuyện với nhau (có thể là hai hoặc nhiều người) thì lời thoại hướng vào nhau, tạo ra tính chất hỏi – đáp. Trong sáu lời thoại đầu, hai nhân vật không đối thoại được với nhau, cho dù trong lời thoại của họ đều có nhắc đến tên nhau. Sáu lời thoại này, về mặt hình thức, là các lời độc thoại. Các nhân vật nói về nhau chứ không nói với nhau.  Độc thoại là nói một mình, tự mình nói với chính mình: "Ấy, khe khẽ chứ!"; "Ôi! Đấy là người ta yêu! Ôi, giá nàng biết nhỉ!"; "Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ,…". Vì các độc thoại này là tiếng lòng của nhân vật, nên xét về bản chất, các lời thoại này là các độc thoại nội tâm. Nhân vật nói ra thành tiếng suy nghĩ của mình về một đối tượng hay một hiện tượng nào đấy đang ám ảnh mình. Nhân vật nói một mình và chỉ để cho một mình mình nghe. Trong kịch, cho dù lời thoại hay là lời độc thoại nội tâm thì nhân vật kia không nghe thấy những lời nói đó. Vì là độc thoại nội tâm, nên sáu lời thoại đầu chứa đựng cảm xúc yêu thương chân thành, đằm thắm. Trên cơ sở ngôn từ mượt mà, cách nói dầy những so sánh, ví von phù hợp với tâm trạng phấn chấn, rạo rực chen lẫn bồn chồn của những người đang yêu, cho nên, tuy là lời độc thoại nội tâm song không phải kiểu phát ngôn đơn tuyến, một chiều mà trong độc thoại đó cũng xuất hiện tính đối thoại. Chẳng hạn, cách nói của nhân vật Rô-mê-ô: lúc thì như nói với Giu-li-ét khi nàng vừa xuất hiện bên cửa sổ (" Vừng dương đẹp tươi ơi…"; "Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi…"), lúc thì như đang đối thoại với chính mình ("Kìa, nàng tì má lên bàn tay! Ôi! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!" ; "Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ?"). Tính đối thoại trong độc thoại làm cho lời thoại thêm xinh động. Đây là vẻ đẹp của lời văn Sếch-xphia.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về sống có trách nhiệm

Mười lời thoại còn lại mang hình thức đối thoại, tức là lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe. Tính chất hỏi đáp, đối đáp xuất hiện.

Về mặt không gian – thời gian của cuộc gặp gỡ: Trước hết là bối cảnh đêm khuya, trăng sáng. Màn đêm thanh vắng với mảnh trăng bạc đang lướt trên trời cao tạo ra chiều sâu cho sự bộc lộ tình cảm của đôi tình nhân. Thiên nhiên được nhìn qua các điểm nhìn của nhân vật. Thiên nhiên như hòa cảm, đồng tình, trân trọng, chở che. Trăng ở đây đóng vai trò trang trí cho cảnh gặp gỡ tình tứ song rất mực đoan chính của đôi tình nhân.

Trong khung cảnh ấy, trăng trở thành đối tượng để Rô-mê-ô so sánh với vẻ đẹp không thể bì được của Giu-li-ét. Cách so sánh mà Rô-mê-ô đưa ra là so sánh Giu-li-ét như "vừng dương" lúc bình minh; sự xuất hiện của "vừng dương" khiến "ả Hằng Nga" trở nên "héo hon và mờ nhạt". Theo mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô – tâm lí người đang khao khát yêu đương – thì các so sánh này là hợp lí. Sự xuất hiện của Giu-li-ét bên cửa sổ sẽ trở thành "ánh sáng" của "phương đông" và do đó "nàng Giu-li-ét là mặt trời". Mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô hướng vào đôi mắt: "Đôi mắt nàng lên tiếng". Sự liên tưởng này là hợp lí. Nếu vẻ đẹp của Giu-li-ét được so sáng với "vừng dương" thì đôi mắt của Giu-li-ét được so sánh với các ngôi sao và đó là "hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời". Sự so sánh được đẩy lên một mức độ cao hơn bằng một sự tự vấn: "nếu mắt nàng lên thay cho sao, và đẩy sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia thì thế nào nhỉ?". Trả lời câu hỏi "đôi mắt lên thay sao" chính là khẳng định vẻ đẹp của đôi mắt, vì lúc đó "cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng…". Đối với khía cạnh thứu hai, "nếu sao xuống nằm dưới đôi lông mày" thì lúc đó vẻ đẹp thứ hai của Giu-li-ét sẽ xuất hiện" "Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú ẩy phải hổ ngươi". Các nét đẹp trên khuôn mặt Giu-li-ét lần lượt hiện lên: đẹp của đôi mắt, đẹp của đôi gò má. Từ đó, dẫn tới một khát vọng yêu đương hết sức mãnh liệt: "Kìa, nàng tì má lên bàn tay! Ôi! Ước gì ra là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!". Sự suy nghĩ cũng như cách so sánh liên tưởng của Rô-mê-ô là hợp lí.

Lưu ý: Trong lời thoại mở đầu cảnh kịch của Rô-mê-ô khi anh so sánh ánh trăng với các vì sao – hiển nhiên là còn ngầm so sánh với vẻ đẹp sáng ngời của đôi mắt, nét đẹp của Giu-li-ét với ánh trăng ấy. Trong bối cảnh ấy, Giu-li-ét hiện ra trong đôi mắt của Rô-mê-ô như một nàng tiên "nàng tiên lộng lẫy", "như một sứ giả bầu trời có cánh",… Đây là cảm xúc của một con người đang yêu và đang được tình yêu đáp lại, đây cũng là một sự cộng hưởng tình cảm kì lạ của những tâm hồn đang yêu mà tác giả Sếch-xphia đã quan sát và nhận biết một cách tài tình và ông cũng miêu tả hết sức thành công, đạt tới múc điển hình qua tâm trạng đang yêu ấy. Hiển nhiên, tình yêu này là tình yêu chân thành, không vụ lợi và cũng rất hồn nhiên, trong trắng. Vẻ đẹp trong nắng này là một phẩm chất của mối tình Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Cái đẹp của bối cảnh làm nền cho sự phát triển của của tình yêu trong trắng, cái đẹp của bối cảnh không cho phép những người trong cuộc nghĩ xấu về nhau cũng như không tạo ra điều kiện để những suy nghĩ xấu lên vào phá đi cái tình cảm hồn nhiên đó.

Sự so sánh được thể hiện dưới dạng thức hoặc tương đồng hoặc tương phản. Sp sánh Giu-li-ét là "vừng dương", là "phương đông", là "thiên thần", cho dù Rô-mê-ô chỉ nhìn thấy gương mặt mà chỉ yếu qua đôi mắt, gò má và bàn tay…. nhưng cách so sánh đó không hề mang tính chất khuôn sáo, tán tỉnh mà là cách nói chân thành. Sự so sánh ở đây còn hết sức linh hoạt: so sánh người – cảnh, so sánh người – thần tiên… được lồng trong thứ ngôn ngữ của sự đắm say, của sự nồng nhiệt, tất cả nhằm thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu để từ đó dẫn dắt hai người đi tới sự chủ động tạo hướng đi cho mối tình của mình.

Nỗi ám ảnh về sự hận thù giữa hai dòng họ xuất hiên ở  Giu-li-ét nhiều hơn, cho thấy nỗi lo kèm theo sự ái ngại về hoàn cảnh của  Giu-li-ét. Nàng không chỉ lo cho mình mà con lo cho cả người yêu. Thái độ của Rô-mê-ô đối với hận thù giữa hai dòng họ quyết liệt hơn. Chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình, thể hiện sự dũng cảm đến với tình yêu. Điều mà Rô-mê-ô sợ là sợ không có được tình yêu, không chiếm được tình yêu của  Giu-li-ét, sợ người yêu nhìn mình bằng "ánh mắt" của sự thù hận (Ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tối hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu). Cả hai đều ý thực được sự thù hận đó, song nỗi lo chung của hai người là lo cho họ không được yêu nhau, họ không có được tình yêu của nhau. Cả hai đều nhắc tới hận thù song không nhằm khơi dậy, khoét sâu hận thì mà chỉ để hướng tới vượt lên trên hận thù, bất chấp hận thù. Ở đây, sự thù hận của hai dòng họ là cái nền còn tinh yêu cảu Rô-mê-ô và Giu-li-ét không xung đột với hận thù ấy. Đây là sự khẳng định quyết tâm xây đắp tình yêu của hai người.

Xem thêm:  Tuần 31 - Phong cách ngôn ngữ hành chính

Sự nhận thức đó dẫn tới độc thoại của Giu-li-ét như là một sự băn khoăn day dứt, một sự dằn vặt thể hiện tâm trạng rối bời trước hoàn cảnh éo le. Các lời độc thoại (2, 4, 6) của Giu-li-ét cho thấy tình yêu mãnh liệt đang bùng lên. Lời  thoại thứ hai đơn giản chỉ là mọt cụm từ cảm thán "Ôi chao", song nó cho thấy cảm xúc bị dồn nén không thể không thổ lộ ra thành lời, đồng thời cũng hàm chứa một tiếng thở dài mang dáng vẻ lo âu, vì hai lẽ: thứ nhất là hận thù giữa hai dòng họ, thứ hai là không biết Rô-mê-ô có thực sự yêu mình không.

Tâm trạng của Rô-mê-ô đơn giản hơn nhiều. Chàng đã yêu, đã được đáp lại bằng tình yêu và đi tới dứt khoát khẳng định tình yêu, sẵn sàng từ bỏ dòng họ, tù bỏ tên họ mình (lời thoại 7, 9, 11). Các lời thoại 4, 6 của Giu-li-ét  là sự thổ lộ tình yêu trực tiếp, không ngại ngùng. Việc thổ lộ tình yêu trực tiếp qua các lời thoại này không phải để nói với Rô-mê-ô, bởi vì người con gái thường không chủ  động thổ lộ tình yêu với người mình yêu, mà để nói với chính mình. Hơn nữa, Giu-li-ét  cũng không hề biết là Rô-mê-ô đang đứng nấp gần đấy. Các lời thoại này cho thấy sự chín chắn trong suy nghĩ của Giu-li-ét qua sự tự phân tích để đi tới khẳng định: "Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi". Các đặt vấn đề của Giu-li-ét  rất hồn nhiên, tha thiết và trong trắng, vừa tự chất vấn mình rồi lại tự tìm cách trả lời: "Cái tên nó có nghĩa gì đâu?" rồi tự đề xuất các giải pháp: "Chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi". Hoặc đề xuất một cách khác làm có thể nói là táo bạo thể hiện một tình yêu cháy bỏng: Cái tên kia "đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây". Câu trả lời là một giải pháp khẳng định, không có cách lựa chọn hay giải quyết nào khác.

Lời thoại thứ 8, lời của Giu-li-ét, cho thấy sự bất ngờ của nàng khi biết có người đang nhìn mình, đang nghe mình thổ lộ. Sự bất ngờ của Giu-li-ét không tạo ra cảm giác sợ hãi, bởi vì xét về mặt tâm lí, lúc đó Giu-li-ét  cũng đang rất cần một sự đồng cảm sẻ chia. Và khi biết được người đang ẩn nấp đó là Rô-mê-ô thì tâm trạng của Giu-li-ét trở nên phấn chấn: "Tai tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miễn đó ra mà tôi đã nhận ra tiếng ai rồi". Song nỗi sợ về mối hận thù giữa hai dòng họ lại lóe lên trong suy nghĩ của Giu-li-ét: "Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là họ nhà Môn-ta-ghiu đấy ư?". Vế đầu của câu hỏi này vừa là để hỏi vừa trả lời khẳng định luôn, song vế hai được đưa ra có vẻ không cần thiết, nhưng lại cho thấy nỗi lo ám ảnh của Giu-li-ét. Trong các lời thoại 7, 9, 11 của Rô-mê-ô mang tính khẳng định và quyết tâm được nhấn mạnh bằng các cụm từ "nàng tiên yêu quý", "nàng tiên kiều diễm" và các hành động từ dứt khoát: "thù ghét", "xé nát". Nhưng Giu-li-ét vẫn e ngại và đưa ra câu hỏi: "Anh làm thế nào tới được chốn này anh ơi, và tới làm gì thế?". Câu hỏi này có vẻ như thừa song lại là điều mà Giu-li-ét cần biết. Đó là Rô-mê-ô có thực sự yêu mình không? Động cơ thúc đẩy anh ra đến có phải là tình yêu chân thành hay chỉ là sự bồng bột thoáng qua? Nàng sợ Rô-mê-ô không thành thật.

Khi không nghĩ về dòng họ Môn-ta-ghiu nữa thì Giu-li-ét lại nghĩ đến họ Ca-piu-lét của mình và khẳng định vị trí nơi hai người đang nói chuyện là nơi "tử địa" mà "nếu anh vị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây". "Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết chết anh". Đó chưa kể là khó khăn cụ thể trước mắt đối với Rô-mê-ô: "Tường vườn này cao, rất khó trèo qua". Như vậy, Giu-li-ét đã nhận thức được các bức tường đang ngăn cách họ: bức tường đá của vườn nhà, bức tường của sự hận thù giữa hai dòng họ mà Rô-mê-ô dám vượt qua không và bức tường – tình cảm – của Rô-mê-ô có thật lòng không?

Các bức tường lần lượt được dỡ bỏ. Trước hết, điều mà Giu-li-ét cần nhất là tình yêu chân thành của Rô-mê-ô, mà ở đó là cụm từ "tình yêu" được nhấn mạnh bốn lần với một sự khẳng định dứt khoát: "cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm". Bức tường thù hận được dỡ bỏ bởi chính quyết tâm của hai người, nhất là quyết tâm của Giu-li-ét trong lời thoại 16: "Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi này". Còn bức tường đá của vườn nhà thì đã có "đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu" giúp đỡ.

Diễn biến tâm trạng của Giu-li-ét là phức tạp, song phù hợp với tâm lí của người đang yêu, đồng thời cũng cho thấy sự chín chắn trong tình yêu của Giu-li-ét. Sự day dứt trong tâm trạng đó cho thấy sức ép nặng nề của hoàn cảnh, thấy được sự vây hãm của mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ, thấy được mối nguy hiểm đang đe dọa cả hai người. Trong toàn vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra trong suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển hành động của nhân vật.

Xem thêm:  Soạn bài luyện nói nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-ét, đã có được tình yêu của Giu-li-ét và sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu ấy (các lời thoại 7, 9, 11). Đối với Giu-li-ét, sự xuất hiện cảm thức về các bức tường cản trở là có thật. Điều này phản ánh sự chín chắn trong suy tư của nàng, song đây không phải là sự tính toán thiệt hơn. Điều mà Giu-li-ét cần là tình yêu chân thực của Rô-mê-ô, và tình yêu của Rô-mê-ô dành cho nàng là tất cả. Cho nên, khi biết chắc chắn Rô-mê-ô đến với mình bằng tình yêu thì mọi nghi ngại, mọi băng khoăn trong lòng Giu-li-ét cũng chấm dứt. Như vậy, trong đoạn trích gồm mười sáu lời thoại này, tình yêu không xung đột với thù hận mà chỉ diễn ra trên nền thù hận. Thù hận bị đẩy lùi, bị xóa đi vĩnh viễn, chỉ còn lại tình người, tình đời bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn. Chính vì lẽ đó, tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét trở thành bài ca ca người và khẳng định tình yêu cao đẹp. Vấn đề tình yêu và thù hận về cơ bản đã được giải quyết.

Tuy nhiên, Rô-mê-ô và Giu-li-ét là một vở bi kịch; tính chân bi kịch của mối tỉnh thể hiện qua vị trí của hai người: cỗ đứng của Rô-mê-ô trên bức tường rào xung quanh nhà Giu-li-ét. Cho dù bức tường ấy bằng đá nhưng bức tường ấy chỉ để che chở cho gia đình Giu-li-ét, nghĩa là cho một thế lực hận thù có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của Rô-mê-ô. Chỗ đừng của Giu-li-ét: là cửa sổ của căn phòng riêng của nàng, cho dù có các bức tường của căn phòng che chở song đó cũng là những bức tường của sự ràng buộc của vòng lễ giáo.

Giữa họ là một khoảng không gian không quá rộng song cũng chẳng đủ hẹp để họ có thể nắm tay nhau. Họ chỉ có thể nói với nhau, có thể nhìn nhau trong vị thể khá chênh vênh (nhất là đối với Rô-mê-ô). Tuy nhiên, cái khoảng không vắng lặng ấy lại ấn chứa nhiều mối nguy hiểm nhất là mối thù của hai dòng họ. Có thể bất chợt một người nào đó của nhà Ca-piu-lét xuất hiện. Cho nên, sự lặng thinh của không gian hàm chứa trong nó yếu tố bi kịch, yếu tố đe dọa tới tính mạng của hai người cũng như cho chính hạnh phúc mà cả hai đang hướng tới. Người xem lo sợ cho những nguy hiểm rình rập họ, tạo ra hiệu quả nghệ thuật về một sự đồng cảm giữa người xem và nhân vật. Ở đây có hai không gian lồng vào nhau: không gian cho đôi tình nhân (mà ở đó mảnh trăng dát bạc lên các ngọn cây trĩu quả như để ngụy trang, như để đánh lừa) và không gian của sự thù địch. Sự thù địch này xuất hiện ngay từ những lời thoại đầu tiên, thỉnh thoảng lại lóe lên trong câu chuyện của hai người như một sự nhắc nhở (Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết chết anh).

b) Ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ kịch hết sức tự nhiên, nhuần nhị, phù hợp với đề tài, với nhân vật và cách nói của tình yêu say đắm, hòa hợp, chân thành. Đây cũng là cách nói, lối nói, hình thức nói của một thời đại mà ở đó con người khát khap được giải phóng, khát khao cái mới.

Sắc thái biểu cảm ngôn từ của hai nhân vật, ngôn ngữ vừa sống động vừa hàm súc đầy chất thơ. Ngôn ngữ của nhân vật còn thể hiện nỗi bức xúc không thể nén được của tình cảm yêu thương đã bùng phát giữa hai người , nỗi bức xúc phải thổ lộ, phải giãi bày cho dù chỉ có thể nói với chính mình thôi hay phải vượt tường để đến với nhau cho dù mọi nguy hiểm vẫn đang rình rập là động lực cho hành vi ấy chính là sức mạnh của tình yêu: "cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm".

Cách nói, lối nói hồn nhiên của cả hai người, cách sử dụng lối nói của nhau để xóa đị sự ngăn cách mà hận thù tạo ra đồng thời cho thấy sự lo lắng tràn đầy yêu thương mà Giu-li-ét dành cho Rô-mê-ô và sự dũng cảm khi Rô-mê-ô nhận mạo hiểm để đến tìm Giu-li-ét. Tình yêu trở thành sức mạnh chở che cho đôi tình nhân cũng như tạo cho họ quyết tâm gắn bó trọn đời với nhau.

Post Comment