Văn mẫu lớp 11

Phân tích tác phẩm Tinh thần thể dục của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Phân tích tác phẩm Tinh thần thể dục của nhà văn Nguyễn Công Hoan

1. Bố cục và cách dựng truyện

– Truyện ngắn Tinh thần thể dục được bố cục như một vở kịch: ngoài nội dung tờ trát của quan tri huyện sức cho các hương lí thì tác phẩm gồm năm cảnh:

+ Cảnh 1: Anh Mịch cùng đinh đến nhà lí trưởng xin miễn đi xem đá bóng vì còn phải đi làm trả nợ nuôi vợ con kẻo cả nhà chết đói.

+ Cảnh 2: Bác Phô gái đến lí trưởng biếu cành cau để xin cho chồng không đi xem đá bóng, vì chồng bác đau yếu quá mà đường lên huyện lại xa, "những chín cây lô mếch".

+ Cảnh 3: Bà cụ phó Bính đến lót lễ cho lí trưởng ba hào để xin thuê người đi xem thay thế vì con trai cụ bận đi ăn cưới.

+ Cảnh 4: Tờ mờ sáng lí trưởng đã quát tháo sai tuần đinh đi tróc nã mười tám người còn chưa có mặt ở đình làng theo lệnh ông ta ; bởi vậy, thằng Cò ôm con trốn ở đống rơm bị hai anh tuần phát hiện và lôi xềnh xệch ra đình làng.

+ Cảnh 5: Lí trưởng cùng tuần đinh áp giải chín mươi tư người xếp thành hàng năm, đi đều đến sân vận động huyện chờ xem trận đá bóng.

– Năm cảnh được xây dựng chủ yếu bằng hình thức đối thoại mà nhân vật trung tâm là ông lí, đặt sau chỉ thị bằng văn bản của quan tri huyện gửi các hương lí đều cho thấy rõ ràng dân làng Ngũ Vọng không hề có "tinh thần thể dục" như chủ trương của nhà nước, như chỉ thị của quan trên. Đó cũng chính là mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện ngắn Tinh thần thể dục: sự mâu thuẫn giữa mục đích có vẻ tốt đẹp, trang trọng với thực chất là tai họa của "phong trào thể dục thể thao" – một phong trào mà thực dân Pháp cổ động rầm rộ nhằm đánh lạc hướng thanh niên ta khi đó.

2. Một số mâu thuẫn trào phúng

Nghệ thuật trào phúng của thiên truyện ngắn được xây dựng trên những mâu thuẫn trào phúng sau đây:

a) Trát quan tri huyện về việc phải gom đủ người đi xem đá bóng.

Xem đá bóng là một nhu cầu giải trí, tự nguyện của người hâm mộ bóng đá. Đây là một hoạt động thường hấp dẫn nhiều người và được nhiều người hào hứng đón xem. Vậy mà quan tri huyện Lê Thăng lại phải có trát gửi về các làng xã lệnh cho các chức dịch bắt dân lên huyện xem đá bóng đủ số lượng phân bổ cho từng thôn làng.

Nội dung tờ trát có nhiều điều nực cười bởi chứa đựng nhiều mâu thuẫn: lí trưởng phải đích thân dẫn đủ một trăm người có mặt ở sân vận động huyện từ 12 giờ trưa, làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ từ 10 giờ sáng, trong khi trận bóng khởi tranh vào giữa buổi chiều; ai đã "đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn", trong khi tưởng đó là hoạt động giải trí tự do; "các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệch sẽ bị cữu", hóa ra đây là "việc quan" buộc các chức dịch phải đôn đốc thực hiện nếu không quan trên sẽ khiển trách;… Về hình thức, loại văn bản hành chính – công vụ này có nhiều câu, chi tiết khiến người đọc được cười một trận thoải mái. Nó là một tập hơn lộn xộn các từ kim – cổ, tây – ta. viết theo văn viết xen khẩu ngữ…. Nó hé mở cho thấy tầm nhận thức, cách điều hành xã hội của hệ thống chức dịch quan lại phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng đến đâu và như thế nào. Lệnh quan đáng lẽ phải là việc khẩn, trang trọng, nghiêm túc nhưng hóa ra lại là về một hoạt động vui chơi, giải trí. Bởi vậy mà buồn cười. Đây là mâu thuẫn trào phúng thứ nhất, mở đầu hay cũng là nguyên nhân của hàng loạt cảnh "cười ra nước mắt" sau đó.

Xem thêm:  Hình ảnh tượng trưng cho lí tưởng Đảng và niềm say mê náo nức của tâm hồn nhà thơ trong bài thơ Từ ấy.

b) Đi xem đá bóng là tai họa giáng xuống đầu dân lành

-"Phong trào thể dục thể thao" do chính quyền thực dân đề xướng thực chất là tai họa đối với những người nông dân Việt Nam:

+ Với anh Mịch, loại cùng đinh ở làng, đi xem đá bóng là mất một ngày làm để trả nợ ông Nghị; là có nguy cơ bị ông nghị "đánh chết"; cũng có nghĩa là không còn chỗ vay mượn, "nhờ vả" quanh năm, mà mất chỗ bấu víu thì cả nhà sẽ chết đói.

+ Bác Phô gái có gánh hàng ở chợ nhưng cũng sẵn lòng bỏ một ngày chợ để đi thay chồng ốm. Bác có cành cau làm lễ mọn nhưng không được lí trưởng chấp nhận. Bởi vì, cái việc xem đá bóng là "việc quan không phải thứ chuyện đàn bà" – ông lí bảo thế.

+ Bà cụ phó Bính phải bỏ tiền thuê thằng Sang đi xem đá bóng thay cho con trai cụ "bận đi ăn cưới" không đi được, lại còn khoán đủ cả "khăn áo tử tế" cho nó – theo đúng tinh thần của tờ trát quan tri huyện. Cụ còn phải "lễ" ba hào lót tay ông lí mới được ông đồng ý. Ông chỉ còn kèo nhòe về giờ giấc mà thôi.

+ Thằng Cò biết thế nào rồi cũng phải đi. Thế nhưng mất buổi làm thì bố con sẽ nhịn đói; với lại, Cò "không mượn đâu được quần áo" nên khi hai anh tuần đốt đuốc đi tróc nã mười tám người còn thiếu, nó sợ quá đành ôm con trốn… cạnh đống rơm! Tại cái thằng bé con "khóc thét lên" không đúng lúc nên thằng bố mới bị lộ, "bị lôi xềnh xệch" ra đình làng, chứ không thì đã thoát.

+ Một số người "khôn ngoan" đi ngủ nhờ nhà người khác hoặc làng khác, như để "lánh nạn" mới tránh được cái họa đi xem bóng đá lần này.

– Khi kể và tả lại tình cảnh bi – hài của những người dân lành bị ép đi xem đá bóng, tùy theo thành phần, giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh,… của từng nhân vật, nhà văn đã lựa chọn, sử dụng từ, ngữ, chi tiết chính xác, gợi cảm và vận dụng đắc địa các biện pháp nghệ thuật tương thích. Nhờ vậy, tình huống trào phúng nào cũng rất cụ thể, rất sống động:

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

+ Anh Mịch là cùng đinh nên đến lí với bộ mặt "nhăn nhó", xưng hô khiêm nhường: "Lạy ông, ông làm phúc…", "cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy", "Lạy ông, ông thương…"…

+ Bác Phô gái, người có gánh hàng ở chợ nên có "cành cau" làm "đầu câu chuyện", lời lẽ của người buôn bán nên khéo léo, "dịu dàng", dáng vẻ nhũn nhặn (ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai), thưa gửi một điều lại "lạy thầy", hai điều là "thưa thầy" và xưng "con" ngon ngọt rất lọt tai.

+ Bà cụ phó Bính cao niên, có vai vế lại sẵn có đồng tiền trong tay nên "vừa nói vừa cười rất vô duyên". Cụ cũng là người khôn ngoan, biết tỏng bụng dạ lũ người có chức sắc kia thằng nào chả mê tiền nên tiền là của cụ bỏ ra nhưng cụ lại nói trại ra là "lễ" của thằng con cụ để ông lí nhận mà không bẽ. Cụ còn thưa gọi ông lí một mực là "ông" cho phải phép nữa để ông ta cho qua cái vụ "bỏ tiền tráo người" mà cụ vừa là người diễn vừa là người bình luận đắc ý.

Những cảnh đời tuy được miêu tả trong những tình huống trào phúng khác nhau nhưng đều hàm ẩn ý nghĩa: việc đi xem đá bóng là tai họa khủng khiếp đe dọa đến cái ăn, cái mặc, cái sống của dân lành. Đọc văn Nguyễn Công Hoan, người đọc thấm thía tình cảnh xót xa của nhà văn, thấm thía nỗi đau nhân thế của ông. Nụ cười cùng nước mắt ướt như hòa quyện vấn vương trong từng cảnh đời, từng số phận.

c) Sự "mẫn cán", "tận tâm" của viên lí trưởng

"Phong trào thể dục thể thao" thời đó còn là một cơ hội béo bở để các loại chức dịch trong các làng xã thể hiện sự "mẫn cán" với các quan trên và lòng "tận tâm" của chúng với quê hương, làng nước. Bản chất cơ hội "đục nước béo cò" của bọn quan lại đó được ngòi bút trào phúng sắc sảo của Nguyễn Công Hoan lột tả đến chân xác không thương tiếc. Ở truyện ngắn Tinh thần thể dục, hình tượng nhân vật lí trưởng được hoàn chỉnh dần sau các cảnh bi – hài:

– Quán triệt lệnh quan trên (qua tờ trát) nên với những người dân đến nhà xin xỏ, lạy lục, hối lộ (như anh Mịch, bác Phô gái, bà cụ phó Bính trong ba cảnh đầu), lí trưởng vẫn kiên quyết ép phải đi xem đá bóng vì đây là "việc quan". Ông ta quá "mẫn cán" nên sử dụng mọi biện pháp để gom đủ một trăm người làng đi xem đá bóng bất chấp người dân dưới quyền "bảo trợ" của ông đang lo làm ăn (như anh Mịch), đang ốm đau (như chồng bác Phô). Ông còn dọa dẫm nào là "trình cho rũ tù", "sai tuần đến gô cổ lại", nào là "mặc kệ", "đây không biết", "đây không nghe"…. Nhưng với những người có vai vế trong làng (bà cụ phó Bính) lại có tiền biếu "lễ" (ba hào) thì ông cũng ngơ đi để cho họ thuê người đi thay thế. Có lúc bực quá vì nói mãi mà dân không hiểu tầm quan trọng của "tinh thần thể dục", ông buộc phải văng tục: "ai cũng lấy cớ ốm yếu mà không đi, thì người ta đá bóng cho chó xem à?". Còn với các loại "đã hẹn đi lại còn định chuồn" như thằng Cò thì ông phải "quát tháo om sòm", cho hết bọn tuần đinh "cứ đánh sặc tiết chúng nó ra" rồi "gô cổ… giải cho được ra đây",…

Xem thêm:  Nêu 3 dẫn chứng để chứng minh tầm quan trọng của cách học

– Ông triển khai chủ trương của quan trên một cách "tận tâm": "Ba bốn giờ chiều mới bắt đầu, nhưng quan bắt đến huyện từ 12 giờ trưa. Để ngài điểm. Mà quan sức 12 giờ, thì mình phải đến từ 11 giờ cho sớm sủa. Vả lại, tôi còn phải mang cờ lên lúc 10 giờ, thì chả đi từ 5, 6 giờ thì đi vào lúc nào? Cho nên, mọi người phải chờ tôi ở đình từ gà gáy". Vì thế mà "từ sáng tới giờ" người ta đã nghe tiếng ông lia quát tháo om sòm ở đình làng vì còn mười tám người chưa có mặt. Đặc biệt, hình ảnh viên lí trưởng trong cảnh cuối truyện: "Lo lắng, đi cuối cùng, mắt nhanh nhẹn để coi cẩn thận như coi tù binh", chửi đổng "Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!". Đúng là một bức chân dung biếm họa rất thú vị. Tiếng chửi ấy nghe mới đã làm sao. Đấy là tiếng lí trưởng chửi "chín mươi tư thằng… xếp hàng năm.. đi… đều bước" kia đang bị bọn tuần đinh kèm giám sát chung quanh hay là lời nhà văn chửi bọn quan huyện, quan làng và cái chủ trương "thể dục thể thao" của lũ chúng nó?

Mạng lưới kiểm duyệt đương thời không cho phép Nguyễn Công Hoan tấn công trực diện và mạnh mẽ hơn, nhưng với một truyện ngắn giàu tính bi – hài kịch, nhà văn cũng đã đả kích khá đích đáng cái "tinh thần thể dục" lúc bấy giờ, làm cho người đọc hiểu rằng "phong trào thể dục thể thao" chỉ gieo tai họa cho người dân.

Truyện khẳng định tài năng trào phúng bậc thầy của Nguyễn Công Hoan thể hiện trong cách bố cục, dựng truyện, sáng tạo những tình huống trào phúng độc đáo và giọng văn kể chuyện rất hóm hỉnh.

Post Comment