Đề bài: Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Bài làm
Nguyễn Thi thường được nhắc đến là nhà văn của người dân Nam Bộ. Văn của ông có sự sâu sắc và gần gũi với đời sống của người dân miền Nam nước ta. Trong nhiều sáng tác của ông, tác phẩm Những đứa con trong gia đình được nhiều người yêu mến. Câu chuyện kể về những con người của mảnh đất Nam Bộ thân thương. Họ sinh ra trong cảnh chiến tranh tàn khốc vì vậy sớm nuôi trong lòng ý chí đánh giặc.
Năm 1966, đó là năm mà nước ta đang phải trải qua những năm kháng chiến chống Mĩ vô cùng ác liệt. Giữa những ngày khói đạn như vậy, Nguyễn Thi đã viết nên tác phẩm Những đứa con trong gia đình. Nhân vật chính trong tác phẩm này là Việt, người con của một gia đình có truyền thống đánh giặc cứu nước. Bố và mẹ của Việt đều đã bị giặc giết hại trong chiến tranh vì vậy mà trong lòng Việt không nguôi ý chí trả thù cho cha mẹ. Bên cạnh Việt còn có chị Chiến, có thằng Út em, có người chị nuôi đi lấy chồng xa và có chú Năm. Họ là những người gần gũi với Việt nhưng thân thiết nhất vẫn là chị Chiến. Câu chuyện là dòng suy tưởng của Việt về gia đình, về chị Chiến, về chú Năm, về những người đồng đội vào sinh ra tử với mình trong những giây phút anh bị thương nặng.
Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình
Nhan đề của tác phẩm đọc lên có vẻ rất giản dị: Những đứa con trong gia đình. Tác phẩm mang đến cho người đọc một cái nhìn về sự gắn kết giữa những người trong cùng một nhà. Sự gắn kết của họ thể hiện ở truyền thống chống giặc cứu nước. Họ yêu quê hương, thủy chung với cách mạng và luôn sẵn sàng đứng lên để chống lại quân thù. Nếu cả gia đình Việt được ví như một dòng sông thì mỗi con người, mỗi cá thể là một khúc sông riêng biệt. Ở đó, họ có cái nét riêng nhưng cùng hòa vào dòng chảy chung. Cách nhìn này thể hiện tài năng nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Thi.
Những người như chú Năm, như ba má Việt chính là khúc sông thượng nguồn. Ba của Việt là một tấm gương cách mạng điển hình. Má của Việt là người phụ nữ tần tảo vì chồng, vì con đậm chất phụ nữ Nam Bộ. Chú Năm lại là nơi kết tinh đầy đủ truyền thống của gia đình. Chú Năm có một cuốn sổ ghi chép mà ở đó mọi tội ác của quân giặc được vạch trần. Những chiến công của gia đình cũng được chú Năm ghi lại. Cuốn sổ ấy sau này chú Năm giao lại cho hai chị em Chiến và Việt như là một sự lưu truyền những giá trị tốt đẹp.
Việt xuất hiện nhiều lần nhất trong tác phẩm nên chúng ta cũng thấy được nhiều mặt của nhân vật này. Việt còn trẻ, cậu vẫn giữ được những nét hồn nhiên của con trẻ như sợ ma, hay tranh giành với chị nhưng ở ngoài mặt trận Việt lại là người lính dũng cảm. Chị Chiến hiện lên trong dòng hồi tưởng của Việt là một người chị hoàn hảo. Chiến thương em, chiều em và Chiến có nét gì đó giống hệt như mẹ. Có lẽ chính điều đó càng làm cho Việt thương chị nhiều hơn. Thương đến nỗi Việt muốn giữ chị làm của riêng và chẳng muốn chia sẻ chị với một ai. Thông qua nhân vật Việt, Nguyễn Thi đã gửi gắm một thông điệp vô cùng nhân văn. Đầu tiên là về tình cảm giữa những con người trong gia đình. Họ yêu thương nhau, gắn kết với nhau với một sợi dây vô hình. Họ có thể có tuổi đời còn rất trẻ và tính tình cũng còn nét trẻ con nhưng một khi đã trở thành người lính cầm súng ra chiến trường thì họ mạnh mẽ hơn ai hết. Việt khi bị thương nặng đến bất tỉnh nhiều lần nhưng tư thế của cậu lúc nào cũng là tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nghe thấy tiếng đạn từ đằng xa, Việt cố bò tới để được tiếp tục chiến đấu. Nỗi đau về thể xác không thể bằng được nỗi đau về tinh thần.
Tác phẩm Những đứa con trong gia đình cũng là một bản án tố cáo chiến tranh. Chiến tranh đã lấy đi của con người hòa bình, lấy đi của chúng ta người thân. Nhưng, chiến tranh không bao giờ lấy đi được của chúng ta tình yêu thương.
Tình yêu thương giữa người với người chính là sức mạnh to lớn giúp chúng ta chiến thắng được kẻ thù. Với cách viết trần thuật qua hồi tưởng của nhân vật, Nguyễn Thi đã mang tới một tác phẩm xuất sắc khiến người đọc xúc động mãi.
Nhã Đan