Đề bài: Phân tích tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ
Bài làm
Lưu Quang Vũ được nhiều người biết đến với những tác phẩm thơ, đặc biệt là những vần thơ mà ông dành cho vợ của mình là Xuân Quỳnh. Thế nhưng, tài năng của ông còn được đánh giá cao ở thể loại kịch. Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của ông. Vở kịch được viết từ rất lâu nhưng cho đến nay, nó vẫn được diễn trên các sân khấu kịch khắp cả nước.
Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn là một câu chuyện có trong dân gian kể về việc hồn của anh Trương Ba sau khi chết đã nhập vào xác của anh bán thịt. Kể từ đó, bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Tái hiện lại câu chuyện đó bằng một vở kịch, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào đó những suy ngẫm về nhân sinh. Đồng thời ông cũng muốn phê phán lối sống tiêu cực của những con người hiện thời.
Phân tích tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt
Trương Ba vốn là một người đánh cờ rất giỏi. Cái tài của ông được Đế Thích, một tiên cờ vô cùng yêu mến. Chính vì vậy mà khi Trương Ba chết, Đế Thích đã cho hồn của Trương Ba được tiếp tục sống bằng cách nhập vào thân xác của anh hàng thịt. Từ sau khi nhập xác, hồn của Trương Ba đã phải chịu bao nhiêu cảnh trái ngang. Đầu tiên là sự tranh giành của hai bà vợ. Một bà có phần hồn, một bà có phần xác, ai cũng muốn đó là chồng của mình. Tiếp theo là sự khác biệt giữa phần hồn và phần xác. Một bên là tâm hồn thanh cao, một bên là kẻ bặm trợn thường xuyên đánh vợ. Hai kẻ đối nghịch nhau nay lại phải sống cùng với nhau trong một cơ thể nên khó lòng mà hòa hợp. Chính vì thế mà biết bao lần Trương Ba đã van xin Đế Thích để cho mình được chết. Thông qua việc mượn xác, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào đó một triết lý sâu xa về lẽ sống. Rằng cuộc sống của con người thật là đáng quý. Khi còn sống, hãy biết trân trọng những gì mà mình đang có. Bởi con người chỉ có một lần được sống. Tạo hóa cho chúng ta được sinh ra nhưng rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta phải chết đi. Cố gắng thay đổi quy luật của tự nhiên cũng sẽ chẳng giúp ích được điều gì.
Kịch tích của vở kịch chính là sự đối lập giữa tâm hồn và thể xác. Đó là mâu thuẫn giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Từng lời thoại của nhân vật như xoáy sâu vào tâm can của mỗi người khiến người đọc cảm thấy nhức nhối.
Sau những tháng dài sống trong cảnh hồn một đằng, xác một nẻo, hồn của Trương Ba dường như đang tự biến mình thành một con người khác. Trương Ba tự chán ghét chính bản thân mình, hồn muốn thoát ra khỏi cái thân xác trần tục, thô lỗ, kềnh càng kia mà không được. Đoạn đối thoại giữa hồn và xác xuất hiện càng làm tăng thêm nỗi bất hạnh của hồn. Bị xác giễu cợt, mỉa mai, hồn Trương Ba rơi vào cảnh bế tắc, đau khổ. Không còn cách nào khác, hồn thắp hương xin Đế Thích cho mình được chết. Đế Thích vì quá yêu mến Trương Ba nên không muốn anh chết. Một lần nữa, Đế Thích muốn Trương Ba nhập hồn vào một cái xác khác, đó là xác của cu Tị. Nhưng lúc này, hồn Trương Ba đã tỏ rõ quan điểm của mình và cũng là triết lý sống rằng nếu cái xác không phải của cái hồn thì cuộc sống này quả là vô nghĩa lý.
Trước khi diễn ra cảnh đối thoại, hồn Trương Ba đã tự độc thoại với chính mình. Nó cho thấy, hồn đã bị dồn nén tới mức quá đau khổ. Còn đâu một người đàn ông chăm chỉ làm vườn, một người yêu vợ thương con hết lòng, một người hàng xóm tốt bụng. Hồn giờ đây là một gã vụng về và thô lỗ. Còn gì khổ bằng khi không được là chính mình?
Ở trong xác của anh hàng thịt lâu ngày, dần dần hồn cũng bị nhiễm những cái mà trước đây hồn cho là “phàm”. Những thứ ấy ăn dần vào máu mỗi ngày mà chỉ khi xác nhắc thì hồn mới vỡ lẽ ra. Điều đó càng làm cho hồn đau đớn hơn. Xác nói đúng quá, hồn chẳng cãi được lời nào. Rồi đến vợ của Trương Ba cũng không chịu được cảnh sống với một người chồng như vậy. Bà muốn bỏ đi mà đi đâu cũng hơn là cuộc sống này. Cái Gái trước đây yêu ông nội nó bao nhiêu thì giờ nó xua đuổi ông nhiều bấy nhiêu. Nó không thể chấp nhận được cái vẻ ngoài thô kệch, đôi bàn tay to bè của người đàn ông kia. Đến cả cô con dâu là người hiểu biết, sâu sắc và cũng cảm nhận được nỗi đau của bố chồng nhưng cô cũng cảm thấy thất vọng khi hồn của bố chồng cứ thay đổi dần từng ngày tới mức mà “chính con cũng không nhận ra thầy nữa”.
Tất cả những điều ấy đã đẩy hồn Trương Ba đến một bi kịch khiến hồn muốn giải thoát cho mình. Cách giải thoát duy nhất lúc này chỉ có cái chết mà thôi. Thông qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã phê phán những biểu hiện tiêu cực trong lối sống của con người thời đó. Thứ nhất là chạy theo ham muốn tầm thường về vật chất. Thứ hai là chỉ chăm chăm đến sinh hoạt vật chất mà bỏ qua cái hạnh phúc toàn vẹn. Nhưng bên cạnh hai vấn đề đó thì còn một điều nữa mà Lưu Quang Vũ muốn nói tới đó là tình trạng con người sống giả, sống mà không được là mình, không được bộc lộ cái tôi của mình.
Một vở kịch ngắn nhưng lại nói lên được quá nhiều điều. Tác phẩm cho đến bây giờ vẫn còn sức sống với thời gian và cái tên Lưu Quang Vũ cũng sẽ còn sống mãi trong lòng chúng ta.
Nhã Đan