Đề bài: Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam
Bài làm
Nếu ai biết đến nhóm Tự lực văn đoàn sẽ không thể không biết đến cái tên Thạch Lam. Ông sinh ra trong một gia đình công chức gốc quan lại. Thạch Lam sinh năm 1910 tại Hải Dương và đây cũng là quê mẹ của ông. Sau này khi đang học dở Trung học ở Hà Nội thì Thạch Lam bỏ đi làm báo, viết văn. Ông là cây bút đắc lực của hai tờ báo rất nổi tiếng thời bấy giờ là Phong hóa và Ngày nay. Tài năng của Thạch Lam ai cũng phải công nhận nhưng tiếc là ông đã qua đời khi mới ở tuổi 32 vì căn bệnh lao.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Thạch Lam sáng tác không nhiều. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có Gió đầu mùa, Nắng trong vườn,… Thế nhưng, chừng đó cũng là đủ để Thạch Lam khẳng định được phong cách sáng tác của mình. Truyện ngắn của ông được viết một cách đơn giản, nhẹ nhàng, không nặng về tư tưởng và khiến người đọc dễ đọc, dễ cảm. Tác phẩm Hai đứa trẻ chính là truyện ngắn thành công của Thạch Lam khi viết về cuộc sống của những người nông dân nơi phố huyện nghèo khó.
Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ
Hai đứa trẻ trong truyện chính là hai chị em Liên và An. Người chị thì mới mười hai, mười ba còn người em thì mới lên tám, lên chín. Trước đây, gia đình Liên sống ở Hà Nội, vì gia đình sa sút nên mới phải chuyển về phố huyện nghèo này để sống. Vì bận hàng xay hàng xáo nên mẹ giao cho chị em Liên trông coi quầy hàng xén nhỏ. Mỗi ngày, hai chị em đều cố thức đợi tàu qua, khi ấy may ra mới có người ghé mua chút hàng. Vậy là ngày nào, chị em Liên cũng chờ. Trong lúc chờ đợi ấy, cô bé Liên nhìn thấy những mảnh đời xung quanh mình. Dù bản thân chẳng khá gì hơn nhưng nhìn họ, Liên vẫn thương.
Nói truyện ngắn Hai đứa trẻ không có cốt truyện đặc biệt cũng chẳng sai. Đọc qua nội dung câu chuyện có thể thấy Thạch Lam xây dựng một câu chuyện rất giản dị, không kịch tính, không gay cấn. Vậy nhưng, câu chuyện lại khiến cho người đọc cảm động bởi chính những điều dung dị ấy.
Liên, một cô bé mới chỉ mười hai, mười ba nhưng lại già dặn trước tuổi. Cô bé cảm nhận được cái ảm đạm, cái buồn bã và cái nghèo nàn nơi phố huyện. Mọi khung cảnh đều được thu bé lại trong con mắt của em. Liên thậm chí còn ngửi được cả cái mùi đất bốc lên đặc trưng của phố huyện nghèo. Có thể thấy, đây là một cô bé vô cùng nhảy cảm. Cũng chính vì nhạy cảm nên khi nhìn thấy những mảnh đời nơi đây, em mới thấy thương. Liên thương cho những đứa trẻ cù bất cù bơ đang tranh nhau nhặt nhạnh khi chợ tàn. Chúng nhặt bất cứ thứ gì có thể nhặt. Liên thương cho cuộc đời của mẹ con chị Tí ban ngày thì vất vả mò cua bắt tép, đêm xuống thì tất bật với hàng nước đơn sơ. Dường như chẳng có lúc nào họ được nghỉ ngơi. Liên thương cho gia đình bác xẩm chỉ có một manh chiếu rách. Liên thương cho cả bà cụ Thi điên với cuộc sống bí hiểm. Cuộc sống của họ bị bóng tối bủa vây nhưng hoàn toàn không có sự kêu thương. Chỉ có tình thương của cô bé Liên hiện lên trong suốt câu chuyện.
Bác Siêu bán phở ở cách đó không xa. Bác giống như dấu gạch nối giữa những hàng người bần cùng với những hạng người khác nơi phố huyện. Họ có cuộc sống khá giả hơn một chút, đối lập với cảnh sống nghèo nàn. Ở nơi ấy có ánh sáng phản chiếu lại bóng tối.
Có lẽ vì sống trong cảnh tăm tối nên lúc nào Liên và An cũng đi tìm ánh sáng. Đó là ánh sáng từ ngọn đèn của chị Tí, là ánh sáng của những ngôi sao trên bầu trời. Và ánh sáng lớn nhất mà họ mong đợi là ánh sáng từ con tàu. Con tàu chở người, chở hàng nhưng cũng là chở mong ước của hai chị em Liên và An.
Thông qua cái nhìn của hai chị em Liên với những mảnh đời bất hạnh kia, Thạch Lam đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Truyện là lời nhắc nhở con người hướng về quê hương, nguồn cội. Ông trân trọng những con người bé nhỏ và mong ước cho họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhã Đan