Phân tích những suy tư của tác giả về hành trình đến cõi vĩnh hằng của Lor-ca
– Câu thơ "không ai chôn cất tiếng đàn – tiếng đàn như cỏ mọc hoang" mở ra nhiều cách hiểu cho người đọc. Đó là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài, hoặc sự nuối tiếc hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Hình ảnh hoán dụ "không ai chôn cất tiếng đàn", hình ảnh so sánh "tiếng đàn như cỏ mọc hoang" gợi thương cảm về cái chết thê thảm của nhà thơ chiến sĩ trong tay bọn phát xít. Sau khi Lor-ca bị thủ tiêu, kẻ thù muốn xóa tên tuổi người nghệ sĩ như đã hèn hạ vùi xác ông trong một nấm mồ vô danh nào đó, nhưng chúng làm sao chôn được tiếng đàn. Điều quan trọng mà Thanh Thảo khẳng định ở đây chính là chân lý về sự bất tử: Có thể giết chết con người nhưng không thể tiêu diệt được khát vọng sống và lý tưởng tốt đẹp của con người. Khát vọng ấy Lor-ca đã "phổ" vào tiếng đàn và giờ đây nó vẫn đang lên tiếng, đang sinh sôi mãnh liệt bằng sức sống tự nhiên không gì chặn nổi: "Tiếng đàn như cỏ mọc hoang". "Cỏ hoang" là thứ vô danh, chẳng chút cao sang quý phái nhưng khả năng sinh tồn thì thật phi thường. Quả thật sau những đau thương lại ngời lên niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn, vào tâm hồn bất diệt: Tiếng đàn tượng trưng cho sự nghiệp của Lor-ca, cho tình yêu tự do và con người. Đó là cái đẹp không thể hủy diệt, sẽ sống mãi, lan truyền, kiên cường và giản dị như cỏ dại.
– Hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng" là một hình tượng thơ siêu thực đa nghĩa bắt nguồn từ một sự việc thực: Kẻ thù sau khi bắn nhà thơ đã vứt xác ông xuống giếng để phi tang. Hình ảnh này tuy có thấp thoáng gợi lại cái chết oan khuất của Lor-ca nhưng ấn tượng nổi bật vẫn là một vẻ đẹp rạng người. Nếu sử dụng bút pháp hiện thực thì chỉ diễn tả được đau thương và tội ác nhưng Thanh Thảo còn muốn nói nhiều hơn: Tình thương, sự cao khiết, tỏa sáng. Hình tượng thơ siêu thực đa nghĩa, hình tượng hóa tiếng đàn của Lor-ca như một sự bất tử sáng ngời. "Nước mắt vầng trăng" là nước mắt thương tiếc vầng trăng hay là nước mắt đẹp và vĩnh cửu như vầng trăng.
– Logic ngữ pháp có vẻ bị phá vỡ nhưng ấn tượng về nỗi đau và vẻ đẹp mà hình ảnh thơ truyền tải thì rất tự nhiên, sâu sắc. Hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể xem hình ảnh "giọt nước mắt vầng trăng" như một ẩn dụ tượng trưng rất giàu sức gợi cảm. Giọt nước mắt hóa ra vầng trăng vĩnh cửu, giếng nước nơi kẻ thù vứt xác ông lại là nơi tỏa sáng long lanh tâm hồn người nghệ sĩ. Lor-ca nằm đó, "long lanh" nơi đáy giếng; "vầng trăng" không "chếnh choáng" mà long lanh soi tỏ tấm lòng con người đã chết vì quê hương. Hơn thế, đó là những giọt nước mắt "long lanh" trên mỗi gương mặt người thương tiếc Lor-ca. Nỗi đau được nhân lên trở thành nguồn sức mạnh, sự dập vùi chuyển hóa thành sự thăng hoa, sự thê thảm chuyển hóa thành sự tôn vinh. Và đó chính là chiến thắng, là sự bất tử của người anh hùng. Khổ thơ hội tụ được cái chết bi thảm và tiếng đàn kì diệu của lor-ca trong những hình tượng thơ sáng tạo cách tân để ca ngợi tiếng đàn bất tử của người nghệ sĩ Tây Ban Nha, để nói lên một chân lý "nghệ thuật của nhân dân sẽ trường tồn vĩnh cửu".
– Sang khổ thơ sau, các hình ảnh: "Đường chỉ tay đã đứt" và "dòng sông rộng vô cùng" cách ngăn hai thế giới như muốn nói chúng ta: Hãy để Lor-ca có một sự giải thoát thực sự, đành phải chấp nhận định mệnh phũ phàm. Đường chỉ tay bé nhỏ, dòng sông rộng mênh mang, hay là phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì vô cùng.
– Định mệnh nghiệt ngã đã cắt ngang sự sống của Lor-ca, ông trở về với thế giới vĩnh hằng trong dáng vẻ người nghệ sĩ của mình. Trong cõi siêu thoát ấy, cây ghi ta của ông thành con thuyền đẹp và huyền bí: "Chiếc ghi ta màu bạc". Lor- ca đi vào cõi khác với hình ảnh:"bơi sang ngang….trên chiếc ghi ta màu bạc". Chiếc đàn ghi ta thêm lần nữa biến màu, màu của sự tinh khiết, trở thành con thuyền đưa Lor-ca về với thế giới của hư vô, cũng là thế giới của vĩnh hằng. Chiếc ghi ta đã chuyển từ màu nâu sang màu bạc, từ thực sang hư như một sự hóa thân đẹp đẽ của người nghệ sĩ.
– Các hành động cuối cùng của lor-ca như: "ném lá bùa, ném trái tim" vào xoáy nước, vào cõi lặng yên đều mang ý nghĩa tượng trưng cho sự dã từ và giải thoát, chia tay thực sự với những dàng buộc và hệ lụy trần gian. Bước vào cõi bất tử, Lor-ca ném đi lá bùa định mệnh mang niềm tin cứu đỗi, ném đi trái tim ngừng đập vào lặng im để nhịp thời gian chảy mãi muôn đời. Hành động ấy như một lời nhắn nhủ: Hãy để sự sáng tạo nghệ thuật hồi sinh không ngừng, hãy để sự sống tiếp tục hành trình vô tận của nó. Lor-ca dã từ tất cả, chỉ tiếp tục mang theo cây đàn ghi ta đã hóa sinh cho một hành trình dài về cõi siêu sinh, bất diệt. Ông chỉ mang theo mình tình yêu nghệ thuật và tình yêu quê hương.