Đề bài: Phân tích nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Bài làm
Nguyễn Thi có nhiều sáng tác đặc sắc nhưng tác phẩm Những đứa con trong gia đình được đánh giá là thiên truyện xuất sắc nhất của ông. Tác phẩm thể hiện được ngòi bút tài năng của Nguyễn Thi trong nhiều mặt, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Thi đã dành nhiều trang viết để miêu tả tính cách của Việt, một nhân vật đã tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời cho câu chuyện.
Nguyễn Thi không kể chuyện theo diễn biến của thời gian mà ông kể chuyện thông qua những ngồi tưởng của Việt. Theo đó, quá khứ và hiện thực đan xen lẫn nhau khiến người đọc phải đọc một cách chăm chú. Thông qua hồi tưởng của nhân vật Việt, chúng ta thấy được một người lính trẻ giàu tình cảm và có một tinh thần chiến đấu đầy quả cảm.
Điều đầu tiên mà chúng ta có thể thấy về nhân vật Việt là cậu có tính tình hồn nhiên và thú vị. Mặc dù đã trở thành chiến sĩ cộng sản nhưng Việt vẫn giữ được cái tinh thần của một cậu trai mới lớn. Cái ná thun mà ngày nhỏ Việt hay dùng để bắn chim, cậu vẫn luôn đem theo bên mình. Lớn lên rồi, Việt đã không còn đi bắn chim nữa mà cậu cầm súng, cầm lê đi bắn kẻ thù. Nhưng súng với lên cũng không đủ sức làm Việt quên đi cái ná thun. Bao giờ, ná thun cũng ở trong túi cậu. Anh chiến sĩ Việt dù đã mười mấy tuổi nhưng vẫn sợ ma như một đứa trẻ con. Giữa đêm tối vắng lặng trong khi bản thân đang bị thương rất nặng thì Việt không nghĩ tới cái chết mà cậu chỉ sợ gặp ma. Việt sợ bóng đêm hơn cả sợ cái chết. Là em trai, Việt rất yêu thương chị gái của mình nhưng cái bản tính trẻ con khiến cậu hay tranh giành với chị. Đi soi ếch thì muốn mình là người bắt được nhiều ếch hơn. Sau này ra chiến trận thì luôn muốn mình là người lập được chiến công. Chị Chiến thì thương Việt nên lúc nào cũng nhường nhịn. Đêm mít tinh, hai chị em lại cùng tranh nhau đi bộ đội. Ở Việt, sự hiếu thắng của con trẻ khiến người ta cảm thấy vô cùng đáng yêu.
Không chỉ tính tình vui vẻ, Việt còn là người có tình cảm gia đình sâu đậm. Việt yêu thương những người trong gia đình mình, đặc biệt là chị Chiến. Ba mẹ mất sớm, chị Chiến lúc nào cũng ở bên cạnh chăm sóc cho Việt thay mẹ. Chị Chiến giống mẹ cả về ngoại hình lẫn tính cách. Việt thương chị một tình thương sâu đậm. Nghe tiếng bước chân bình bịch của chị Việt cũng thấy thương. Sau này khi đi đánh giặc, Việt chẳng bao giờ nhắc đến chị bởi lúc nào Việt cũng muốn giữ chị Chiến cho riêng mình.
Bên cạnh Việt không chỉ có chị Chiến mà còn có chú Năm. Việt cũng yêu chú Năm từ khi còn rất nhỏ. Chú Năm hay bênh Việt. Chú Năm dạy cho chị em Việt về lòng căm thù quân giặc. Chú Năm dạy cho Việt phải lớn lên để trả thù cho cha mẹ.
Những ngày bị thương nằm một chỗ, hồi ức của Việt hiện lên hình ảnh của ba má. Đó là những kỉ niệm thật chua xót nhưng cũng đầy ngọt ngào. Việt đã hồi tưởng lại cuộc đời đầy vất vả của má. Má đã trải qua biết bao nhiêu đắng cay, hiểm nguy của cuộc đời chỉ mong sao các con lớn lên và làm cho cha vui. Má hy sinh vì chồng, vì con mà chẳng nghĩ gì cho mình. Điều đó càng làm Việt thương má nhiều hơn.
Trong chiến đấu, Việt lại là người anh hùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm. Trong gia đình Việt, những thế hệ đi trước đều là những người lính dũng cảm. Đó là ông nội Việt, là ba Việt, là chú Năm. Việt cũng ý thức được việc mình cần tiếp nối truyền thống của gia đình. Cộng thêm mối thù giết cha mẹ của Việt khiến cậu càng có thêm ý chí chiến đấu. Hình ảnh cha bị Tây chặt đầu, mẹ bị trúng giáo mãi in đậm trong kí ức của Việt. Đó chính là động lực để Việt cũng như chị Chiến trở thành những người lính quả cảm.
Việt bị thương giữa trận đánh, bị mất liên lạc với đồng đội thế nhưng Việt không đầu hàng số phận. Cậu lê mình đi, cảm tưởng như một nhánh cỏ cũng khiến Việt đau đớn hơn nhưng Việt vẫn nhích từng chút một, mặc kệ tất cả những khó khăn đang cản trở cậu.
Dù đang bị thương nặng lúc mê lúc tỉnh mà cứ hễ tỉnh là Việt ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong đêm sâu thẳm khi Việt tỉnh dậy lần thứ tư và nghe thấy tiếng súng của đồng đội. Việt đã bò về hướng có tiếng súng. Giây phút ấy, Việt không ý thức được. Chỉ biết là trận đánh đang gọi tên Việt.
Khi đồng đội tìm thấy Việt, Việt đã hoàn toàn kiệt sức. Mặc dù vậy cậu vẫn giữ cái tư thế sẵn sàng chiến đấu. Điều đó cho thấy cái tính cách anh hùng của nhân vật, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Xây dựng nhân vật Việt với tính cách hôn nhiên của đứa trẻ và sự gan dạ của người chiến sĩ dường như có nét đối lập nhau nhưng qua đó, chúng ta thấy được một con người Nam Bộ chân thật, sâu sắc. Nội tâm nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét càng làm nổi bật lên phẩm chất anh hùng của Việt. Việt chính là đại diện cho một thế hệ thanh niên anh dũng dám đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Nhã Đan