Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
Bài làm
Nhắc tới Kim Lân, người ta thường nhớ tới những truyện ngắn viết về làng quê nông thôn Việt Nam. Nổi bật lên trong số những sáng tác của ông có tác phẩm Vợ nhặt. Trong truyện ngắn này, các nhân vật được Kim Lân tập trung miêu tả cả về ngoại hình lẫn tính cách. Nhân vật Tràng, một trong những nhân vật chính của truyện được Kim Lân miêu tả một cách chi tiết nhất. Câu chuyện mang đến những tình huống bất ngờ và thông qua đó, tính cách con người được bộc lộ một cách rõ nét.
Nhân vật Tràng cũng giống như rất nhiều người nông dân khác thời bấy giờ phải sống trong cảnh nghèo đói. Kim Lân lấy bối cảnh cho truyện là những năm tháng nhân dân rơi vào cảnh đói khổ. Thây ma chết vì đói đầy đường. Con người bị đẩy vào trong hoàn cảnh khốn cùng của cuộc sống.
Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Tràng là một người thanh niên hiền lành, chất phác. Anh được miêu tả có ngoại hình xấu xí, thô kệch, đầu thì trọc lóc, lưng thì to bè, mắt thì nhỏ tí. Nhưng bù lại, Tràng là người tốt bụng, hay đùa và rất yêu trẻ con. Anh sống ở trong xóm ngụ cư cùng với người mẹ của mình là bà cụ Tứ. Để sống được qua ngày, anh đi làm đẩy xe bò thuê cho người ta. Trong lúc đang đẩy xe bò, anh đã buông vài câu tán tỉnh và có lẽ chính anh cũng không ngờ rằng sau những lời ấy anh đã thành người có vợ. Giữa lúc khốn khó, hẳn Tràng cũng chẳng dám nghĩ đến cái cảnh mình sẽ lấy vợ. Thế nên khi có được vợ rồi, Tràng vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Ban đầu, Tràng còn thoáng chút lo sợ bởi cái thân mình nuôi còn chưa xong, có thêm vợ thì chẳng biết sẽ sống sao. Nhưng dường như ngay lập tức, Tràng “chậc kệ”. Tràng nghĩ đến tương lai hạnh phúc sau này khi có vợ, Tràng lại thấy vui trong lòng.
Cái suy nghĩ có vợ khiến Tràng cảm thấy vui sướng và đầy thích thú. Trên đường đưa vợ về nhà, Tràng quên đi hẳn cái cảnh nghèo đói, tăm tối mà hàng ngày Tràng vẫn phải trải qua. Nụ cười thì cứ trực nở trên môi Tràng. Kim Lân đã khéo léo lựa chọn rất nhiều từ ngữ gợi tả, gợi cảm khi miêu tả cảm xúc vui sướng của Tràng như mặt phớn phở, miệng cười tủm tỉm, mắt sáng lấp lánh,… Sau đêm tân hồn, Tràng càng cảm thấy hạnh phúc hơn, thấy mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống gia đình. Là chồng, Tràng thấy mình có bổn phận phải lo cho vợ và cho cả con cái sau này.
Những ngày có vợ với Tràng cứ như một giấc mơ. Tràng khoan khoái muốn tu sửa lại căn nhà. Tư duy con người đã thực sự thay đổi. Cưới Thị là một bước ngoặt tạo nên sự thay đổi ấy, một sự thay đổi hoàn toàn tích cực. Từ con người đau khổ chuyển sang con người hạnh phúc. Từ một người khờ khạo, giờ đây Tràng đã có ý thức trách nhiệm với gia đình. Những điều này, chỉ có tình yêu mới có thể đem lại. Có thể thấy tình yêu có giá trị như thế nào đối với cuộc sống của con người. Nó làm hồi sinh tâm hồn của con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Hình ảnh đoàn người mang theo lá cờ đỏ sao vàng đi phá kho thóc Nhật cho thấy niềm tin vào tương lai, vào cách mạng, vào Đảng của Tràng. Đây cũng là cách mà Kim Lân thể hiện ngòi bút nhân đạo của mình. Một cái nhìn thật sâu sắc về con người.
Một chuyện tình hoàn toàn không có những tình tiết lãng mạn của đôi lứa yêu nhau. Tràng thì nhặt được vợ giữa hoàn cảnh khốn khó. Thị thì lấy được chồng vì cần một chỗ dựa. Họ đến với nhau một cách bất ngờ nhưng xét cho cùng cũng là thuận theo lẽ tự nhiên. Thông qua nhân vật Tràng, chúng ta thấy được cuộc sống khốn khổ của người nông dân trong xã hội cũ. Nhưng họ là những người luôn lạc quan. Họ có một tâm hồn trong sáng, lương thiện và luôn hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống.
Nhã Đan