Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm
Nhà văn Kim Lân là một cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam. Những câu chuyện của ông thường xoay quanh đề tài người nông dân. Đó là những con người hiền hậu, chịu thương, chịu khó. Những con người dù sống trong cảnh đói nghèo vẫn toát lên được nhân cách cao đẹp. Tiêu biểu cho những sáng tác của Kim Lân là truyện ngắn Vợ nhặt. Tác phẩm nói về cuộc sống nghèo đói của con người trong những năm 1945. Qua đó, Kim Lân đã rất thành công khi miêu tả nhân vật Tràng, một người lao động tuy nghèo đói, khổ sở nhưng lại giàu tình thương và luôn biết khát khao, luôn biết hướng về ngày mai tươi sáng.
Phải nói rằng, nhà văn Kim Lân đã rất am hiểu về đời sống nông thôn. Có như thế ông mới viết được những trang văn đầy xúc động. Vợ nhặt cũng được xem là truyện ngắn xuất sắc nhất của ông. Trước đây, Vợ nhặt là một phần của tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Sau khi hòa bình lập lại, Kim Lân đã viết lại và trở thành tác phẩm Vợ nhặt như chúng ta được biết. Để hoàn thành tác phẩm này, Kim Lân đã phải nghiền ngẫm, phải chiêm nghiệm rất kỹ lưỡng.
Bằng cách tái hiện lại cảnh nghèo đói đến thê thảm của người dân Việt Nam ngày ấy, thông qua nhân vật Tràng, Kim Lân vừa tố cáo hiện thực xã hội tàn khốc, vừa tô đậm lên được vẻ đẹp của người nông dân. Những năm đói kém, mất mùa, những con người trở nên hốc hác chỉ còn lại cái da bọc xương. Nuôi thân mình còn không xong chứ đừng nói tới người khác. Người chết vì đói nằm rải rác ngoài đường. Giữa bối cảnh như vậy, Kim Lân lại táo bạo lồng vào đó một chuyện tình. Một chuyện tình dở khóc dở cười, chẳng có cái lãng mạn của đôi lứa yêu nhau mà lại thật đẹp.
Tràng là một anh thanh niêm khù khờ, cục mình. Ngày nào, mẹ Tràng còn sợ Tràng không lấy được vợ. Ấy vậy mà chỉ mới buông vài câu tán tỉnh, Tràng đã nhặt được về một cô vợ. Có lẽ chính Tràng cũng không dám tin vào chuyện này. Chính vì vậy mà Tràng cứ “ngờ ngợ”. Từ sự “ngờ ngợ” ấy, Tràng chuyển nó thành niềm vui, niềm hạnh phúc. Giữa hoàn cảnh éo le của cuộc đời, việc có một người vợ không khiến Tràng cảm thấy nặng gánh mà ngược lại chàng chỉ nghĩ đến việc có một người để gắn bó và yêu thương.
Gọi là vợ nhặt nhưng trong con mắt của Tràng, người vợ này không phải món đồ, không hề rẻ rúng. Tràng có vợ và rất trân trọng người vợ này của mình. Những lời tán tỉnh của Tràng ban đầu có thể chỉ là lời bông đùa nhưng việc Tràng đưa Thị về làm vợ lại là một điều hoàn toàn nghiêm túc. Có thể thấy, Tràng đã vượt qua được cái suy nghĩ “đèo bòng” để hướng tới những khát khao hạnh phúc đời thường. Nghĩ tới cái đói, Trang chậc lưỡi mặc kệ. Tràng mong nhanh chóng nhận được lời chấp thuận của mẹ.
Có gia đình, bỗng nhiên Tràng thấy khoan khoái lạ kì. Tràng nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái. Tràng nghĩ về cái tổ ấm giản dị giúp hắn che nắng che mưa. Đối với Tràng, đó lành thứ hạnh phúc lớn lao nhất. Nó khiến cho Tràng rạo rực, vui sướng và phấn chấn. Dường như Tràng lại có thêm động lực để cố gắng. Giờ đây Tràng phải sống, phải lao động vì cả vợ của mình nữa.
Có vợ là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Tràng. Đó là một sự chuyện biến quan trọng. Từ một người khổ đau giống như nhiều người khác lúc đó giờ đã chuyển sang hạnh phúc, từ sự chán đời chuyển sang yêu đời. Tràng ý thức được trách nhiệm của mình, Tràng muốn sửa lại căn nhà, Tràng thấy mình có bổn phận lo lắng cho vợ và cho cả con sau này nữa. Niềm hạnh phúc đã làm phục sinh tâm hồn của Tràng.
Hình ảnh Tràng nhìn thấy lá cờ đỏ bay phấp phới ở phần kết truyện là một cái nhìn mới mẻ của tác giả. Ông nhìn ra sự tươi đẹp của cuộc sống ở phía trước và gửi gắm nó vào trong nhân vật của mình. Ông viết về một hoàn cảnh buồn nhưng khi đọc người ta lại chỉ thấy có niềm vui, niềm hạnh phúc.
Vợ nhặt là tác phẩm mang đậm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Thông qua nhân vật Tràng, ông ca ngợi niềm tin của con người vào tương lai. Ông ca ngợi tình yêu thương giữa con người với con người. Tác phẩm khiến người đọc cảm động và lưu luyến mãi.
Nhã Đan