Đề bài: Phân tích nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Bài làm
Rừng xà nu là một trong những tác phẩm hoàn hảo của Nguyễn Trung Thành viết về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Hình ảnh rừng xà nu xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm, biểu trưng cho con người Tây Nguyên anh dũng, quật cường. Người dân làng Xô man chỉ toàn những anh hùng, tiêu biểu là người anh hùng Tnú, một con người bất khuất, kiên cường.
Ngay từ khi còn nhỏ, Tnú đã là đứa trẻ mồ côi sống thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Thế nhưng, Tnú không bao giờ thiếu thốn tình cảm của dân làng. Anh được dân làng bao bọc, chở che suốt những tháng thơ ấu. Chính vì vậy mà từ ngày còn nhỏ, Tnú đã biết yêu thương xóm làng, yêu thương người đồng bào mình mà như Nguyễn Trung Thành miêu tả là anh “có cái bụng thương núi, thương nước”. Không những vậy, cụ Mến đã sớm truyền cho Tnú về sức mạnh của Đảng. Từ ấy, Tnú cũng nuôi trong mình niềm tin đi theo lý tưởng của Đảng, đi theo con đường Cách mạng.
Mặc dù còn nhỏ nhưng khi ấy Tnú đã nuôi trong mình trí lớn. Với bản chất là người con của núi rừng Tây Nguyên, Tnú đã mang sẵn trong mình sự gai góc. Tiếp thêm sức mạnh là tình thương của dân làng và ý chí là cụ Mến truyền cho, Tnú đã lớn lên và trở thành một người anh hùng được cả dân làng yêu mến. Sau này, những câu chuyện về Tnú cũng được trẻ con trong làng thích thú lắng nghe.
Tnú được khắc họa là một con người có tố chất anh hùng ngay từ khi xung phong vào rừng bảo vệ anh Quyết. Tnú đã tìm đường rừng bằng cái đầu sáng lạ lùng để đưa thư cho anh Quyết. Rồi khi bị giặc chĩa mũi súng vào gáy lạnh ngắt, Tnú không hề hoảng sợ mà bình tĩnh xử lý tình huống. Để bảo vệ cơ mật, Tnú đã chọn cách nuốt lá thư vào bụng. Hành động của Tnú đã khiến anh bị bắt giam rồi bị tra tấn dã man khiến trên người mang đầy thương tích. Đối với người gan dạ như Tnú sự tra tấn của kẻ thù có thể làm da thịt của anh ứa máu nhưng không làm được cho ý chí của anh suy giảm. Ngay cả khi giặc bắt Tnú khai ra nơi ở của cộng sản, Tnú không ngại ngần chỉ vào bụng mình và nói “Cộng sản ở đây này”. Câu chuyện ấy về Tnú sau này trở thành bài học về ý chí cho trẻ con trong buôn làng Xô man. Cả dân làng ai cũng tự hào vì một người chiến sĩ anh hùng như Tnú.
Bên cạnh ý chí gan dạ, Tnú còn là một người nghiêm khắc với bản thân mình. Tnú quyết tâm học cho được cái chữ. Sự quyết tâm ấy không chỉ là ngày một ngày hai mà là trong suốt cuộc đời của mình. Tnú không cho phép mình thua kém Mai, anh lấy đá đập vào đầu đến nỗi máu chảy ròng ròng để tự trừng phạt mình vì cái tội hay quên. Qua những hành động đầy dũng mãnh như vậy, Tnú hiện lên với đầy đủ những phẩm chất của một người chiến sĩ Cộng sản.
Cuộc vượt ngục của Tnú cho thấy anh không hề run sợ trước sức mạnh của giặc. Ra khỏi chốn ngục từ, anh trực tiếp lãnh đạo dân làng Xô man đánh giặc. Người bạn thuở thiếu thời của anh ngày nào nay đã trở thành vợ của anh. Họ có một người con nhưng gia đình hạnh phúc chưa được bao lâu thì bọn giặc đã cướp đi cả vợ và con của Tnú. Mất đi người thân là nỗi đau xót tột cùng của Tnú. Anh lao vào giữa vòng vây của địch để ôm lấy mẹ con Mai. Nhưng đứng trước thù riêng, Tnú đành phải nén lại vì cái thù chung. Nếu giờ đây Tnú ngã xuống đi theo vợ con thì dân làng Xô man chẳng biết sẽ còn bao nhiêu người nữa phải chịu chung số phận như vợ con anh. Tnú không cho phép điều đó xảy ra. Anh nhận lấy trách nhiệm bảo vệ cả buôn làng về mình.
Giặc tẩm nhựa xà nu vào khăn rồi đốt mười đầu ngón tay của Tnú như muốn đốt đi hết ý chí trong con người anh. Nhưng không, lòng căm thù đã khiến cho Tnú biến những đau đớn thành động lực. Ngọn lửa trên tay của Tnú trở thành ngọn đuốc của sự căm thù. Anh hô lên một tiếng “giết” và soi đường cho cả dân làng Xô man xông lên đánh giặc. Có lẽ, quân giặc cũng không ngờ ý chí của T nú lại mạnh mẽ đến vậy.
Dù bị cụt đi mười đầu ngón tay nhưng Tnú vẫn cầm giáo, cầm súng để đánh giặc. Anh trở thành chiến sĩ giải phóng quân. Chính đôi bàn tay của anh đã xiết vào cổ họng những thằng Dục tàn ác. Anh không chỉ rửa được mối hận của bản thân và còn giúp nhân dân đánh đuổi bọn giặc hung ác.
Bi kịch của cuộc đời Tnú làm tăng thêm cái chất sử thi cho vị anh hùng này. Hình ảnh về anh mãi in đậm trong tâm trí những người dân làng Xô man và những người đọc trang viết của Nguyễn Trung Thành.
Nhã Đan