Đề bài: Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Bài làm
Nhắc đến Tô Hoài nhiều người sẽ nhớ tới tác phẩm Dế mèn phiêu liêu ký. Nhưng Tô Hoài còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Đây là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của ông. Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thực cuộc sống của những con người Tây Bắc, đó là những người nghèo khổ sống dưới ách áp bức, bóc lột của địa chỉ phong kiến. Họ bị vùi dập, bị chà đạp và tước đi quyền sống. Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà Tô Hoài muốn nói tới. Thông qua nhân vật A Phủ, Tô Hoài muốn nói đến sức sống tiềm tàng trong con người. Họ sống trong đau khổ nhưng luôn cố gắng vươn mình lên tìm về sự sống.
Là nhân vật chính của truyện nhưng A Phủ không xuất hiện ở đầu truyện như Mị. Anh chỉ xuất hiện sau lần xô xát, đánh nhau với A Sử, con trai của thống lí Pá Tra. Sau đó, Tô Hoài mới bắt đầu giới thiệu để người đọc hiểu về xuất thân của A Phủ. Anh là một chàng trai mà từ nhỏ đã phải chịu nhiều cơ cực. Năm lên mười tuổi, trận dịch đậu mùa biến đứa trẻ A Phủ trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi mất hết cả anh chị em. A Phủ chỉ còn lại có một mình giống như những đứa trẻ cù bất cù bơ không nơi nương tựa. Cuộc đời của A Phủ trôi dạt khi có người đem bán A Phủ để đổi lấy thóc. Sau này trốn lên Hồng Ngài, A Phủ đi làm thuê cho người ta từ mùa này sang mùa khác để mưu sinh. Chính những khó khăn của cuộc đời đã khiến A Phủ trở thành một chàng trai gan dạ, dũng cảm.
Không có người dìu dắt, A Phủ tự mình học lấy mọi thứ. Anh biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc. Anh không chỉ cày giỏi mà còn săn bắn bò tót rất bạo. Những người biết đến A Phủ, người ta không chỉ thương cho một số phận hẩm hiu mà còn cảm mến bởi sự chăm chỉ, cần cù. Tuy nghèo nhưng suy nghĩ của A Phủ lúc nào cũng lạc quan và hướng về phía trước. Những ngày Tết, trai làng thường đi chợ tết để tìm người yêu. A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng cổ nhưng cũng hòa chung vào đám trai làng ấy. Nhưng chính sự giản dị của A Phủ lại khiến các cô gái để mắt tới. Mặc dù vậy, lấy vợ với A Phủ lúc này là chuyện quá xa vời. Cha mẹ không có, ruộng nương không có, tiền bạc lại càng không thì lấy vợ làm sao.
Khi bị A Sử đánh, A Sử không cam chịu đứng lại chống trả. Hành động của A Phủ cho thấy đây là một chàng trai không chịu quất phục trước quyền uy của địa chủ. Chúng có thể đánh anh, có thể trói anh nhưng không bao giờ làm anh nhụt ý chí. Cha con nhà thống lí Pá Tra chính là đại diện cho tầng lớp địa chủ tàn ác chỉ biết bóc lột người khác bằng cách đánh đập. A Phủ bị trói, bị đánh cho không ra con người nhưng anh chỉ im lặng. Cái im lặng thể hiện sự căm phẫn đến tột cùng.
A Phủ bị bắt làm nô lệ cho nhà thống lí Pá Tra mà chẳng một ai dám cản ngăn. Có thể thấy xã hội thối nát thời bấy giờ, người nông dân bị đẩy xuống đáy. Bọn địa chủ cường hào thì phải làm cho người ta tàn tạ mới hả hê. Chúng nắm trong tay quyền sinh, quyền sát, chúng có thể bắt con người ta về làm trâu làm ngựa để trừ nợ. Người nông dân thấp cổ bé họng thì chỉ có một cách duy nhất là tuân theo.
Một lần, A Phủ để hổ vồ mất bò của nhà thống lí, vậy là anh lại bị đánh đập cho không ra con người. Đôi mắt của A Phủ hằn in rõ sự tuyệt vọng. Nó ám ảnh người đọc một cách khủng khiếp. A Phủ đã nghĩ đến cái chết. Cũng giống như Mị, A Phủ muốn được chết bởi thà chết còn hơn phải cam chịu cuộc sống nhục nhã như vậy. Nhưng rồi, Mị đã cởi trói cho A Phủ. Họ đã bỏ chạy, bọ lại sau lưng những phẫn uất, những cam chịu. Họ đi theo cách mạng, hướng về cách mạng với một niềm tin son sắt.
Nhân vật A Phủ là hình tượng điển hình cho người nông dân miền núi khi xưa phải sống dưới ách thống trị của địa chủ phong kiến nhưng sức sống luôn tiềm tàng trong con người.
Nhã Đan