Đề bài: Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Bài làm
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn người Nam Bộ. Khi viết Chiếc lược ngà, ông lấy đề tài là tình cảm cha con và nỗi đau mà chiến tranh đã mang tới cho con người. Qua đó, người đọc vô cùng xúc động về tình cảm giữa ông Sáu và cô bé Thu con gái của ông.
Nhân vật ông Sáu được xây dựng là một người nông dân của mảnh đất Nam Bộ. Ông tham gia cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mĩ. Sau này ông đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Từ năm 1946 ông đã tham gia chiến trận. Ngày ông đi, cô con gái nhỏ mới chưa đầy 1 tuổi. Cô bé khi ấy chưa biết cất tiếng gọi ba. Chính vì thế mà năm 1954 khi hòa bình lập lại, ông Sáu được về thăm nhà ít hôm, điều mà ông mong mỏi chỉ là được nghe con gái gọi một tiếng ba. Một tiếng ba sẽ làm xóa nhòa đi cái khoảng cách cha con mà chiến tranh đã dựng lên. Kịch tính của truyện xảy ra khi bé Thu không chịu gọi một tiếng ba do ông Sáu có vết sẹo trên mặt nên khuôn mặt không còn giống như trong ảnh cưới nữa. Cho tới ngày phải chia tay gia đình lần thứ hai, ông Sáu mới được nghe một tiếng gọi ba. Tiếng gọi khiến ông vỡ òa trong sự xúc động.
Diễn biến tâm lý của ông Sáu thay đổi liên tục trong những ngày nghỉ phép ở nhà. Đầu tiên là sự hân hoan khi nghĩ rằng mình sắp được gặp vợ, gặp con. Vui sướng khi nghĩ rằng cô con gái nhỏ sẽ quấn quýt bên cạnh rồi gọi tiếng ba ơi. Nhưng thực tế khắc nghiệt khi bé Thu không chịu nhận ba, tâm trạng vui sướng của ông Sáu chuyển sang buồn chán rồi tức giận. Vì quá yêu con, quá thèm khát được nghe đứa trẻ thơ gọi mình là ba nên ông càng giận hơn vì sự bướng bỉnh của bé Thu. Ông đánh bé Thu một cái trong lúc đang nóng giận. Cái đánh ấy khiến cho ông ân hận đến mãi về sau. Khi được con gái chạy đến bên ôm lấy từ phía sau và gọi ba, cảm xúc trong ông vỡ òa. Ông lấy khăn để lau đi nước mắt rồi lại ôm con gái vào lòng, hôn lên mái tóc của con. Giây phút chia ly giữa hai cha con khiến tất cả mọi người đều xúc động nghẹn ngào.
Sau năm 1954, ông Sáu nhận nhiệm vụ mới hoạt động bí mật ở chiến trường miền Nam. Những năm tháng ấy, cái chết luôn cận kề bên ông và các đồng đội. Giặc ruồng bố triền miên trong những ngày ông ở rừng, ở cứ. Rồi thì phải sống trong cảnh thiếu thốn không có gạo ăn. Nguy hiểm là vậy nhưng ông Sáu không lúc nào không nghĩ đến vợ con. Ông biến vỏ đạn 20 li của giặc Mĩ thành chiếc cưa nhỏ, rồi lại khéo léo mài, đục, đẽo để biến khúc ngà voi thành một chiếc lược ngà. “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”, đó là dòng chữ mà ông đã khắc một cách nắn nót lên trên chiếc lược. Sau này, nó đã trở thành kỉ vật mà mỗi khi nhìn thấy, cô giao liên Thu lại thấy nhớ cha da diết. Ông Sáu thương vợ, thương con cũng như bao nhiêu người dân Việt Nam khi ấy, dù vào sinh ra tử lòng họ vẫn khôn nguôi nhớ về gia đình.
Chiếc lược ngà là một vật kí thác thiêng liêng. Vượt qua bao bom đạn, chiếc lược về đến tay của Thu cũng giống như tình phụ – tử dù trải qua bao nhiêu khó khăn vẫn không hề phai nhạt. Ông Sáu dù đã hy sinh anh dũng nhưng tình yêu của ông dành cho con thì vẫn còn sống mãi, nó gửi cả vào trong chiếc lược ngà.
Vết sẹo trên má ông Sáu và chiếc lược ngà là minh chứng cho những nỗi đau mà con người phải trải qua trong chiến tranh. Viết về nhân vật ông Sáu, Nguyễn Quang Sáng cũng viết về những người cha nói chung. Họ là những người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để mang lại hạnh phúc chung cho toàn dân tộc.
Truyện ngắn Chiếc lược ngà cùng với hình ảnh của ông Sáu, của bé Thu khiến cho bao người phải rưng rưng nước mắt, phải suy nghĩ vê tình phụ tử thiêng liêng.
Nhã Đan