Văn mẫu lớp 12

Phân tích nhân vật người Vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân

Phân tích nhân vật người Vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân – Bài 1

Kim Lân (1920 – 2007) tuy viết không nhiều nhưng ở cả hai giai đoạn sáng tác của mình ông đều có những tác phẩm hay. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó với quê hương và cách mạng. Truyện ngắn Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – tác phẩm được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công lấy bối cảnh nạn đói năm 1945 nhưng bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn này, in trong tập Con chó xấu xí (1962). Trong đó, nổi bật lên hình ảnh người Vợ nhặt, một nạn nhân khốn khổ của nạn đói và cũng là một nhận vật quan trọng của tác phẩm.

Truyện kể về một gia đình nghèo trong nạn đói năm 1945. Tràng là một thanh niên chưa vợ, sống cùng mẹ ở xóm ngụ cư. Từ một lời bông đùa, người phụ nữ cũng rất nghèo đói và rách nát, đã về làm vợ Tràng. Bà cụ Tứ –  mẹ Tràng hết sức bất ngờ  nhưng vẫn chấp nhận nàng dâu mới trong nỗi niềm vừa mừng vừa tủi. Có nàng dâu mới, gia đình Tràng ấm cúng hẳn. Qua thông tin của vợ, Tràng mới biết Việt Minh đã phá kho thóc của Nhật để chia cho người đói. Cuối truyện là những suy nghĩ, ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ của Tràng và trong đầu anh bay phấp phới hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng  của đoàn người đi phá kho thóc.

Nhân vật người Vợ nhặt xuất hiện không tên tuổi, quê quán, gốc tích, đói khát, rách rưới. Thậm chí, nhân vật này cũng không có một cái tên rõ ràng, tác giả gọi cô là “thị, ả, người đàn bà” như gợi ra thân phận mờ nhạt, đáng thương. Cái đói đã làm cô thay đổi quá nhiều, cả về nhân hình lẫn nhân cách. Lần trước gặp Tràng, chị còn hồn nhiên “liếc mắt, cười tít”, đon đả với anh; lần thứ hai chính Tràng cũng không nhận ra vì “hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Đáng buồn hơn, vì miếng ăn, nhân vật quên đi sự ý tứ cần có của người phụ nữ, trở nên suồng sã khi “sầm sầm chạy đến’, “sưng sỉa”, “cong cớn” trách mắng Tràng: “Điêu! Người thế mà điêu”; trơ trẽn sống sượng gợi ý Tràng để được ăn. Khi Tràng đồng ý thì “hai con mắt trũng hoãy của thị sáng lên” và “ngồi sà xuống… cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở”. Đó là một hình ảnh đáng thương hơn là đáng giận.

Tuy nhiên, trong sâu thẳm cô vẫn khát khao một mái ấm. Cô đã liều lĩnh nhắm mắt đưa chân theo về làm vợ Tràng vì cần một chỗ dựa, cần có miếng ăn để tồn tại, cần một mái ấm gia đình. Hình ảnh cô dâu vu quy giữa ngày đói cũng thật thảm hại, đầy xót xa: cô đi sau Tràng “chừng ba bốn bước…cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt” với vẻ “rón rén, e thẹn”. Cô rất lo lắng, ngập ngừng khi về đến nhà Tràng và có chút thất vọng khi trước gia cảnh của Tràng: thị “đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài”.  Dáng ngồi “mớm xuống mép giường” có cái gì đó lo lắng, bất an, chông chênh đến tội nghiệp. Trước mẹ chồng, cô càng rụt rè, e dè hơn, dù chủ động gọi bà là “u” nhưng chỉ dám “đứng nguyên chỗ cũ, khẽ nhúc nhích”. Dáng vẻ “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt” của cô cũng khiến bà mẹ già xót thương, buồn tủi, ái ngại. Thế nhưng, cô đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi trở thành người vợ trong gia đình: cô dậy sớm cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa sáng, cách xưng hô với Tràng cũng thay đổi: “Ừ, sao nhà biết?” và “nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiện hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài tỉnh”. Đặc biệt, cô tỏ ra bình thản trước bữa cơm ngày đói. Khi nhận chén cám từ tay mẹ chồng, dẫu ban đầu “hai con mắt thị tối lại" nhưng rồi “điềm nhiên và vào miệng”. Cô chấp nhận số phận khi đã bước vào đường cùng và không muốn bà mẹ già thêm cơ cực, xót xa. Đây là hình tượng có ý nghĩa tiêu biểu cho thân phận tội nghiệp, đáng thương của người nghèo đói, cho khát vọng sống và mái ấm gia đình trong cảnh nghiệt ngã. Khi được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, chở che, cô đã trở về đúng với bản chất tốt đẹp của mình gợi lòng trắc ẩn và sự cảm thông sâu sắc cho người đọc. Người phụ nữ ấy hiện lên trong tác phẩm không lộng lẫy nhưng gợi lên một sự ấm áp, mang đến làn gió tươi mát cho căn nhà u ám với cuộc sống tăm tối đang bên bờ vực của cái chết.

Xem thêm:  Qua ca dao, người bình dân Việt Nam đã thể hiện được những tình cảm thiết tha và cao quý của mình. Lấy dẫn chứng là những bài ca dao đã được học, em hãy làm sáng tỏ nhận xét trên

Đặc biệt hơn, trong giây phút bữa cơm sáng nghẹn lại vì cám, tiếng trống thúc thuế “dồn dập, vội vã khiến đàn quạ…hốt hoảng bay vù lên”, người Vợ nhặt thông tin cho cả nhà về việc “trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa” mà còn tụ họp nhau “đi phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói”. Sau khi nghe lời vợ xong, Tràng chợt nhớ lại cảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp”để cướp kho thóc với thái độ “ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu”, và cuối cùng trong óc Tràng vẫn thấy "đám người đói và lá cờ bay phấp phới…”. Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ. Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng tươi sáng của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của toàn câu chuyện. Đây là một kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện, dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán. Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo, niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Kết thúc này cũng nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng của người Vợ nhặt trong diễn biến cốt truyện.

Với việc tạo nhan đề ấn tượng, gây chú ý và nêu bật được ý nghĩa chủ đề, xây dựng tình huống truyện độc đáo, giàu ý nghĩa, nhà văn đã làm nổi bật thêm hình tượng nhân vật người vợ nhặt. Nhân vật này được xây dựng sinh động với tâm lí tinh tế, đối thoại chắt lọc và nhiều ý nghĩa, nhiều sức gợi. Qua đó, Kim Lân đã thể hiện tình cảm của mình dành cho những người lao động nghèo khổ, đặc biệt là những là ngợi ca nét đẹp phẩm chất của họ. Đồng thời từ câu chuyện Vợ nhặt, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng: “Dù kế bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai”.

Với truyện ngắn này và nhận vật người Vợ nhặt, nhà văn đã chuyển tải một nội dung nhân đạo sâu sắc và đầy cảm động. ngay bên bờ vực của cái chết, những người lao động nghèo khổ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Bản chất tốt đẹp cùng sức sống kì diệu của họ đã được thể hiện đầy xúc động và ám ảnh cùng với tình yêu tha thiết với cuộc sống con người mà tác giả đã gửi gắm qua tác phẩm. 

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về câu nói: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” – Bài tập làm văn số 1 lớp 12

Phân tích nhân vật người Vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân – Bài 2

Viết về người nông dân và nạn đói năm 1945 Ất Dậu, Vợ nhặt là một truyện ngắn đặc sắc, độc đáo. Kim Lân viết truyện này ngay sau Cách mạng tháng Tám, đầu những năm 60. Tác giả đã viết lại và đổi tên thành Vợ nhặt .

Vợ nhặt kể về anh cu Tràng nhà ngheo, ở xóm ngụ cư làm nghề kéo xe bò thuê, giữa trận đói nuôi thân còn khó, thế mà dám “đèo bòng”, dám cả gan “nhặt vợ”. Kim Lân đã sáng tạo ra tình huống “nhặt vợ” rất hấp dẫn, đồng thời vận dụng sáng tạo ngôn ngữ người nhà quê, phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo, từ bà cụ Tứ đến anh cu Tràng, vợ Tràng, nhân vật nào cũng sinh động, chân thực.

Nhân vật vợ Tràng được miêu tả bằng những nét ám ảnh, xót thương, góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Trận đói đang diễn ra vô cùng khủng khiếp, người chết đói như ngả rạ. Quạ bay vù lên như những đám mây đen trên nền trời. Đoàn người chạy đói từ những vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế nhau như những bóng ma xanh xám, nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Mùi gây của xác người. Thị cũng chạy đói, “ngồi vêu” ra ở cổng chợ cùng với mấy chị con gái ở cửa nhà kho. Không tên, không quê quán, tuổi tác, chắc gia đình, cha mẹ chị em cũng đã chết đói cả rồi! Cái đói đã cướp đi của thị tất cả. Lần đầu nghe Tràng hò “muốn ăn cơm trắng với giò…”, thị bị mấy cô bạn đẩy vai. Thị ”cười như nắc nẻ” cong cớn nói với anh Tràng: “Này nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?”. Thị “liếc mắt cười tít” làm anh cu Tràng thích lắm. Lần sau, thị gặp lại Tràng thì đã thay đổi hẳn, quần áo tả tơi, “rách như tổ đỉa”. Thị gầy sọp hẳn đi, hai con mắt “trũng hoáy”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”. Dưới chân thị là vực thẳm, là chết đói! Thị “sưng sỉa” trách Tràng là “điêu”, “leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”. Thấy Tràng vỗ vào túi nói “rích bố cu”, hai con mắt trũng hoáy của thị sáng hẳn lên. Thị nói với anh Tràng: “Ăn thật nhá” rồi cúi mặt “ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc” và cuối cùng quẹt đũa ngang miệng khen: “Hà, ngon”. Cũng biết đùa, biết trêu ghẹo như các cô gái khác, thị nói với Tràng: “Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Chỉ một câu nói tầm phào của Tràng “làm đếch gì có vợ” thế là thị theo về ngay. “Thị về thật”. Khi đứng trong căn nhà “lúp xúp” rách rưới của mẹ con Tràng, thị thất vọng “cái ngực gầy lép nén một tiếng thở dài”.

Từ cử chỉ đến cách ăn nói, đối đáp, thị vừa cong cớn, thô lỗ, vừa sỗ sàng. Thị đã nhịn đói nhiều ngày, cái đói hành hạ, chết đói là điều chắc chắn. Thị cần được ăn để sống, được nương tựa để khỏi chết đói. BẢn chất tốt đẹo của người con gái bị nạn đói cướp đi, thị thật đáng thương! Thị có khác gì người ăn mày nọ:

“Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”

(Ca dao)

Bản chất của người con gái đói khổ này không phải là xấu. Cách kể, cách tả của Kim Lân rất đôn hậu, hồn nhiên, bao dung và giàu lòng thương cảm đem đến cho ta nhiều xúc động.

Chỉ qua một đên, sau khi đã trở thành vợ Tràng – người Vợ nhặt , là “nàng dâu mới’ của bà cụ Tứ thì ta thấy nhân vật này có những biểu hiện, tình cảm tốt đẹp như bao người phụ nữ khác. Dù kề bên cái chết nhưng thị vẫn khao khát có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm áp tình thương như bao người phụ nữ khác. Trước cái nhìn tò mò của bà con xóm chợ, thị ngượng nghịu, “chân nọ bước díu cả vào chân kia”.Nghe bọn trẻ con gào lên “Anh Tràng ơi! Chông vợ hài: thì thị nhíu mày, đưa tay “xóc xóc lại tà áo”.Chưa gặp bà cụ Tứ, thị rất băn khoăn, lo lắng, mặt “bần thần”. Đứng trước mẹ chồng, trông thị thật đáng thương: “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bớt”. Nghe bà cụ Tứ nói: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Thị vẫn “khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Đó là tâm trạng của người con gái đi lấy chồng không một quả cau, không một lá trầu, không cưới treo. Tủi cho duyên số. Thật đáng thương!

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về hiện tượng cuồng thần tượng trong giới trẻ hiện nay

Thị cũng có nhiều biểu hiện nữ tính “hay đáo để”. Cái “liếc mắt cười tít” lần đầu gặp Tràng. Cái phát đánh đét vào lưng Tràng với tiếng mắng yêu “Khỉ gió!” Một lời trách nhẹ chồng: “…chuyện dai thế, đợi sốt cả ruột”. Một cái củng vào trán Tràng kèm theo câu mắng yêu: “Chỉ được thế là nhanh.Dơ!”. Sau bao tháng ngày chạy đói, sống nơi đầu đường xó chợ, cái chết đói gần kề, thị đã trở thành vợ của Tràng, dù có bao nhiêu khó khăn thử thách phía trước nhưng thị đã “đổi đời”. Niềm vui trong tối tân hôn thể hiện cảm động niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong đói khát, hoạn nạn. Hạnh phúc muộn mằn nhưng đáng quý biết bao! Ngòi bút của Kim Lân thể hiện bao trân trọng, hân hoan trước niềm hạnh phúc và sự đổi đời của vợ chồng Tràng.

Nhân vật Vợ nhặt có nhiều thay đổi tốt đẹp. Thị dậy sớm cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa sạch sẽ, xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Tiếng chổi quét sân của thị “kêu sàn sạt trên mặt đất” tưởng như niềm vui đang xôn xao trong lòng thị. Thị lẳng lặng đi vào bếp dọn bữa sáng, Tràng cảm thấy vợ mình “hiền hậu đúng mực” rất đáng yêu. Tràng đã có vợ, bà cụ Tứ đã có “nàng dâu mới”. Nhà thêm người, lại thêm bát đũa, thêm miệng ăn trong cái cảnh đói khát này. Nhưng có vẻ như thị đã đem sinh khí đến cho ngôi nhà, thêm những mới mẻ cho cuộc đời của mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, thị nói với mẹ chồng: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Qua đó, cũng có thể thấy, nhân vật vợ Tràng là người truyền tin cách mạng.

Nhân vật vợ Tràng gầy đói xác xơ, về làm dâu bà cụ Tứ phải mặc bộ quần áo rách như tổ đỉa. Bữa cơm đầu tiên là một bữa cháo cám – hình ảnh ấy, tình tiết ấy thật đáng thương. Và cũng là nỗi đau của nhân dân ta trong cảnh lầm than nô lệ.

Nhân vật vợ Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt đã nói lên sự thật ở đời. Trong đói khổ, hoạn nạn, kề bên cái chết, nhân dân ta vẫn khao khát được sống ấm no, hạnh phúc. Những người nghèo khổ đã biết dựa vào nhau, san sẻ cho nhau vật chất và tình thương để vượt qua thử thách khắc nghiệt và vươn lên ấm no, hạnh phúc và sự đổi mới với niềm tin: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”… Cũng như bà cụ Tứ, anh cu Tràng, nhân vật Thị đã có vai trò thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt .

Post Comment