Đề bài: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Bài làm
Nguyễn Minh Châu là một tác giả viết truyện ngắn rất đặc sắc với phong cách sáng tác giàu tính biểu tượng. Đọc truyện ngắn của ông, phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể cảm được. Và đọc xong, người đọc sẽ phải suy nghĩ nhiều đến những ẩn ý mà nhà văn gửi gắm trong đó. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là một truyện ngắn để lại nhiều suy tư cho người đọc. Trong truyện, hình ảnh người đàn bà hàng chài khiến người đọc phải trăn trở nhiều về cuộc sống của con người.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là câu chuyện kể về chuyến đi sáng tác của nhiếp ảnh gia tên Phùng. Qua chuyến đi đến vùng biển này, anh đã chứng kiến nhiều góc khuất của con người, nhận ra nhiều chiều của cuộc sống. Hình ảnh người đàn bà làng chàng để lại trong lòng nhiếp ảnh Phùng nhiều điều khó hiểu, đó là biểu tượng cho một cuộc sống đầy khó khăn.
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài
Đó là một người đàn bà chạc ngoài 40 tuổi, trông bà cũng như những người phụ nữ vùng biển khác, cao lớn và thô kệch. Mặt rỗ và dường như lúc nào cũng mệt mỏi vì cả đêm thức kéo lưới. Một người đàn bà không xinh đẹp nhưng khi xuất hiện lại khiến cho người đọc phải chú ý với cái dáng vẻ nhọc nhằn đến đáng thương. Không những vậy, chi tiết tấm áo bạc phếch có miếng vá càng khiến người đọc thương cảm hơn cho một mảnh đời khốn cùng.
Khi biết bà có một người chồng suốt ngày chỉ biết hằn học và mắng nhiếc vợ, người đọc càng thương cho số phận người phụ nữ chỉ biết sống cam chịu. Ánh mắt của chị qua miêu tả của Nguyễn Minh Châu như ám ảnh người đọc. Trong ánh mắt ấy có sự ai oán, có sự xót thương nhưng cũng ngập tràn tình yêu dành cho những đứa con.
Lạ thay trong quá trình đi tìm cái đẹp, nhiếp ảnh Phùng lại nhận thấy cái đẹp của chị, đó là một vẻ đẹp đầy nhọc nhằn và khắc khổ. Vẻ đẹp hiện lên đằng sau sự cam chịu của một người đàn bà. Có lẽ không ai hiểu nổi vì sao chị phải liên tục chịu đựng hành hạ về thể xác với 3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng mà khi ra hầu tòa vẫn không hé răng nửa lời. Đôi lúc, chị tỏ ra sợ sệt, lúng túng. Cuộc sống nặng nề quá, thê lương quá.
Sự cam chịu càng bộc lộ rõ rệt hơn khi chị quỳ lạy quan tòa, quỳ lạy con trai để xin cho chồng. Không phải chị không có cơ hội để được giải thoát mà là chị đã từ chối cơ hội ấy. Điều này nếu nhìn từ góc độ của những người bình thường sẽ thấy khó hiểu nhưng nếu nhìn từ góc độ của một người mẹ thì mới thấy hành động của bà mới thật vĩ đại. Chị cam chịu vì muốn các con của mình được có bố. Những lời chia sẻ, tâm tình của người đàn bà hàng chài khiến người đọc cảm động đến rơi nước mắt. Dù bị đánh đập chị vẫn hết mực yêu thương chồng và làm tròn bổn phận của một người vợ. Đối với các con, chị cũng dành một tình yêu thương vô điều kiện.
Đối với phụ nữ, con cái chính là sức mạnh để họ nỗ lực hơn trong cuộc sống. Đối với chị cũng vậy. Được nhìn đàn con của mình ăn no là niềm vui lớn nhất của chị. Dường như ngồi nhìn chúng ăn thôi cũng khiến chị cảm thấy ấm bụng. Hình ảnh của chị khiến người đọc liên tưởng đến những người mẹ đã vất vả hy sinh một đời thầm lặng để mang đến cho các con những điều tốt đẹp nhất. Trong cái đau thương, cuộc đời của chị vẫn hiện lên với những tia sáng ấm áp, cao đẹp.
Nguyễn Minh Châu gọi chị là “người đàn bà” có lẽ là bởi trong cuộc sống sẽ còn nhiều người đàn bà khác đang rơi vào hoàn cảnh giống như chị. Họ cũng cam chịu như vậy. Từ những bức ảnh nhiếp ảnh Phùng chụp về người đàn bà này cùng những suy nghĩ của anh về chị giống như một triết lý. Hình ảnh chị mang đầy sự ám ảnh đối với người đọc.
Phụ nữ bao giờ cũng thật đẹp. Cho dù không đẹp ngoại hình thì cũng là đẹp ở tâm hồn. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã chứng minh được điều đó.
Nhã Đan