Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành
Bài làm
Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những pho sử thi đồ sộ hay những lễ hội cồng chiêng nổi tiếng. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trong đó có nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tài năng của ông đã được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm nổi tiếng như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu,… Rừng xà nu là tác phẩm được Nguyễn Trung Thành viết giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt. Đó là vào mùa hè năm 1965. Tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc bởi hình tượng rừng xà nu, đó là hình tượng đại diện cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên.
Rừng xà nu lấy bối cảnh là mảnh đất anh hùng Tây Nguyên cùng với những con người bất khuất, kiên trung. Sau này, Rừng xà nu được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
Phân tích hình tượng rừng xà nu
Từ mở đầu đến lúc kết thúc tác phẩm hình tượng rừng xà nu gần như xuyên suốt. Đối với người dân Tây Nguyên, cây xà nu đã trở nên quá quen thuộc. Trong cuộc sống của họ dường như không thể thiếu loài cây này. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao mà Nguyễn Trung Thành nhắc đi nhắc lại tới gần hai mươi lần về rừng xà nu, về cây xà nu rồi nhựa xà nu, lửa xà nu, đuốc xà nu. Nó khiến cho người đọc, cả những người chưa từng nhìn thấy cây xà nu bao giờ cũng bị ấn tượng, bị ám ảnh. Thân xà nu được dùng để nhóm lên những ngọn lửa nấu bếp. Người dân làng Xô man ngồi vây quanh ngọn lửa ấy để nghe kể về người anh hùng Tnú. Lũ trẻ đem nhẻm đi vì khói xà nu. Khói xà nu còn làm đen tấm bảng cho anh Quyết dại Mai và Tnú học cái chữ. Sau này, trong mỗi sự kiện trọng đại của dân làng Xô man đều có hình ảnh của ngọn đuốc xà nu như cả dân làng đi vào rừng lấy giáo mác, cả dân làng thức mài vũ khí cả hình ảnh người anh hùng Tnú bị đốt cả hai bàn tay cũng là bằng giẻ tẩm nhựa xà nu.
Hình tượng rừng xà nu trước hết được Nguyễn Trung Thành miêu tả như một tấm lá chắn bảo vệ cho người dân làng Xô man. Mỗi ngày, ngọn đồi xà nu hứng mưa đại bác của quân giặc bắn vào. Nhờ vậy mà người dân làng Xô man mới được bình yên. Chính vì hứng chịu đạn đại bác nên rừng xà nu chịu biết bao đau đớn. Cả cánh rừng lớn như vậy nhưng không có cây nào là không bị thương. Đau xót nhất là những cây con mới mọc chỉ mới ngang tầm ngực người đã bị đạn đại bác chặt làm cho đứt đôi.
Khung cảnh tang thương của rừng xà nu là cách mà tác giả Nguyễn Trung Thành tố cáo tội ác của kẻ thù đồng thời nói lên được nỗi đau thương mất mát của dân làng Xô man. Mỗi một cây xà nu giống như một người anh hùng của làng Xô man. Cây xà nu chảy nhựa giống như người dân làng Xô man đang bị rỉ máu. Đó là những người đã ngã xuống vì chính nghĩa như anh Quyết, như mẹ con Mai, bà Nhan, anh Xút,… Trong cái mất mát, đau thương ấy, vẻ đẹp của người anh hùng hiện lên thật cao đẹp. Đẹp cả trong tư thế mà họ ngã xuống. Đẹp trong hương thơm bay ra từ chỗ vết thương nhựa ứa ra.
Rừng xà nu là tượng trưng cho cuộc sống và những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xô man. Đó cũng là hình ảnh tượng trưng cho người dân Tây Nguyên. Trong bom đạn ác liệt, người dân vẫn vững vàng trước cuộc sống. Các thế hệ sau nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước. Họ đứng sừng sững giữa đất trời giống như những cây xà nu kia, vươn cao đến tận trời xanh. Sự sống của cây xà nu là bất diệt. Cũng như dân làng Xô man, như người dân Tây Nguyên, không một kẻ thù nào có thể lấy đi được ý chí và sức mạnh quật cường của họ.
Viết về hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành cũng chỉ ra cho người đọc thấy rằng ý chí vươn lên để sinh tồn của con người là bất diệt. Cây xà nu hướng sáng, người dân làng Xô man cũng hướng đến sự sống, hướng đến tương lai tươi sáng ở phía trước. Cái khát khao hướng sáng ấy khiến họ sẵn sàng cầm gươm, cầm giáo xông lên tiến thẳng vào quân thù, xông lên bảo vệ dân làng, bảo vệ chính mình. Đối với họ, những vết thương trên cơ thể cũng chẳng là gì. Họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống chỉ để đổi lấy sự tự do của buôn làng. Chính điều đó khiến chúng ta thêm khâm phục.
Bằng cách sử dụng ngôn ngữ sử thi hào hùng cùng những biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên một tượng đài của những con người trí dũng, bất khuất, kiên cường thông qua hình tượng rừng xà nu. Để đến bây giờ mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên, không ai là không nhớ tới rừng xà nu, không nhớ tới buôn làng Xô man với những người anh hùng của dân tộc.
Nhã Đan