Đề bài: Phân tích hình tượng Người lái đò sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Bài làm
Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại không thể không nhắc tới Nguyễn Tuân với các tác phẩm truyện ngắn, tùy bút, phóng sự xuất sắc. Tác phẩm Người lái đò sông Đà được tác giả viết năm 1960, trích trong Tùy bút sông Đà. Thông qua tác phẩm này, tác giả đã góp phần ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất nước cũng như ca ngợi vẻ đẹp của con người. Trong khung cảnh dữ tợn của thiên nhiên sông nước, hình tượng người lái đò sông Đà hiện lên thật tài hoa.
Với những tác phẩm văn học khác mà chúng ta đã được học, được đọc, các nhân vật trong đó đều có những cái tên cụ thể. Nhưng riêng với hình tượng người lá đò sông Đà thì khác, ông không được gọi bằng cái tên cụ thể nào. Tên gọi mà ông có xuất phát từ chính nghề nghiệp mà ông đang làm: nghề lái đò. Ở đây có thể thấy cái tài hoa của Nguyễn Tuân trong việc không “chỉ mặt điểm tên” nhân vật. Tác giả làm như vậy là để nêu bật hình tượng người lái đò. Đó không phải một người nào cụ thể mà là chỉ chung cho những người làm công việc này. Ngoại hình và tố chất của ông lái đò hiện lên qua vài lời giới thiệu ngắn của tác giả. Ông năm nay đã ngoài 70 tuổi. Phần lớn cuộc đời mình ông đã dành để lênh đênh trên sông nước, ông đếm được mình đã xuôi ngược trên 100 lần, giữ tàu lái chính khoảng 60 lần. Và ông chỉ vừa mới thôi làm nghề lái đò ấy được 10 năm.
Phân tích hình tượng Người lái đò sông Đà
Làm được cái nghề lái đò thì hẳn đó phải là con người khỏe mạnh, dẻo dai và có một tinh thần thép. Công việc lao động sông nước không phải là một công việc đơn giản. Ông là “thứ vàng mười”, là con người đã được tôi luyện qua biết bao gian nan và thử thách của dòng sông Đà. Kết quả ông đều là người chiến tháng. Giữa sông nước mênh mông, người lái đò hiện ra với cái phong thái ung dung đậm chất nghệ sĩ. Ông là người từng trải, lão luyện nhưng để vượt qua hết được những thử thách của thiên nhiên thì chứng tỏ ông cũng là người tài trí. Bằng những so sánh và liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã thể hiện được sự khâm phục, ngưỡng mộ của mình với người lái đò: “sông Đà đối với ông lái đò như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc cả dấu chấm than và cả đoạn xuống dòng”. Thiên nhiên vốn là của tạo hóa vậy mà ông lái đò có thể thuộc nó như trong lòng bàn tay.
Qua ba vòng thạch trận, lòng dũng cảm của người lái đò đã được thể hiện một cách rõ nét. Vòng một, sông Đà hiện lên đầy nham hiểm. Sông giống như một kẻ thù đang bày binh bố trận, đá mai phục ở khắp các ngả. Các cửa trận, cửa tử, cửa sinh chia thành 3 tuyến dày đặc. Thác nước kết hợp với đá ngầm tạo nên một thế oai phong lẫm liệt. Nhưng người lái đò không hề run sợ mà ngược lại ông vẫn phăm phăm tiến về phía trước. Tay ông vẫn vững mái chèo. Vòng hai thậm chí còn có nhiều cửa tử hơn cả vòng một. Dòng thác như hùm beo, người lái đò cưỡi thuyền như cưỡi trên lưng hổ. Những đợt sóng như bọn thủy quân chỉ trực để xô thuyền về phía cửa tử. Nếu là người yếu tay lái, chắc chẳng thể nào ghì cương mà lái được thuyền vào cửa sinh như ông. Dòng sông giống như một con thú hoang, chúng gầm gào cuộn thét như muốn nuốt chửng lấy con người cùng chiếc đò bé nhỏ. Bằng tài trí của mình, người lái đò sông Đà tiếp tục vượt qua được vòng thứ ba. Con đò của ông lại tiến băng băng về phía trước mặc kề phía sau lưng hổ dữ vẫn gầm gào.
Vượt qua những trận địa hiểm trở ấy, dường như trong tâm người lái đò chẳng có chút gì run sợ. Sau những cuộc vượt thác, băng ghềnh đầy dũng mạnh, họ trở thành những người nghệ sĩ với tâm hồn vui tươi. Họ cùng nhau nhóm lửa, cùng nhau bàn chuyện về những loài cá trên sông Đà. Dường như trong họ, chẳng có chút gì gọi là mệt mỏi khi vừa rời khỏi trận đánh.
Xây dựng hình tượng người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã khéo léo khắc họa cái chất nghệ sĩ trong con người họ. Ngay cả những thử thách đặt ra trước mắt người lái đò cũng chỉ làm tôn thêm vẻ đẹp con người ấy. Có thể nói, hình tượng người lái đò là một hình tượng đẹp, độc đáo và đầy sáng tạo.
Nhã Đan