Đề bài: Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương
Bài làm
Nhắc đến Tú Xương, người ta nghĩ ngay đến một giọng thơ đả kích, châm biếm và trào phúng mạnh mẽ. Nhà thơ Chế Lan Viên có viết về Tú Xương thế này: “Tú Xương cười như mảnh vỡ thủy tinh”. Quả thực tiếng cười trong thơ Tú Xương sắc bén như mảnh vỡ của thủy tinh có thể cứa chảy máu trái tim của bất cứ ai. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thức hiện thực, thơ của Tú Xương còn đậm chất trữ tình. Người đọc nhớ đến ông nhiều hơn qua những bài thơ chứa đầy cảm xúc chân thành. Và bài thơ Thương vợ chính là bài thơ vừa chứa đựng cảm xúc của ông, vừa chứa đựng thái độ châm biếm của ông với xã hội, với sự đời.
Ngay từ cái tên của bài thơ, chúng ta thấy được nỗi day dứt trong lòng tác giả đối với gia đình của mình. Ông luôn tự xỉ vả bản thân vì rõ ràng là trụ cột của gia đình nhưng lại không làm gì cho gia đình cả. Ngay với vợ của mình ông cũng “hờ hững”. Nhìn vào quan niệm Nho giáo thời bấy giờ, việc bộc lộ tình cảm của mình với vợ dường như không được biểu dương. Chính vì vậy mà các ông chồng thường khá e ngại cho dù trong lòng có yêu và thương vợ đế mấy đi chăng nữa thì cũng không dám bày tỏ ra ngoài. Bày tỏ trên giấy trắng, mực đen thì lại càng không. Chính vì thế mà với bài thơ thể hiện tình yêu thương dành cho vợ ta thấy được sự dũng cảm của người cầm bút. Mà trong lịch sử văn học thế kỉ XIX chỉ có 2 nhà thơ dũng cảm như vậy là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Tuy nhiên, bài thơ Thương vợ của Tú Xương vẫn được chú ý hơn cả.
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương
Bài thơ hiện lên hình ảnh của hai con người, một bên là người vợ tần tảo yêu chồng thương con hy sinh hết lòng cho gia đình, một bên là người chồng thương yêu và quý trọng vợ của mình. Hai câu thơ mở đầu cho tác phẩm tác giả đã giới thiệu cho người đọc biết được công việc thường ngày của bà Tú và qua đây ta cũng thấy được nỗi vất vả của bà:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng
Thời xưa, chuyện kinh doanh buôn bán được xem là nghề kiếm sống khiến người ta trở nên giàu có. Nhưng với bà Tú thì mọi chuyện lại không được thuận lợi như vậy. Bà cũng buôn bán nhưng là buôn bán ở “mom sông”. Đó là nơi địa hình nhấp nhô chỉ dành cho những người buôn thúng, bán bưng vốn đồng vốn ít ỏi. Bán hàng chỉ gọi là để kiếm sống qua ngày, lấy công làm lãi chứ đừng mơ chuyện làm giàu. Bà Tú buôn bán chẳng có hàng quán, chẳng có cái mái mà che nắng che mưa. Ấy vậy mà quanh năm bà vẫn phải làm như vậy để nuôi cả gia đình. Ở đây, Tú Xương đã đặt 5 đứa con và ông lên bàn cân. 1 bên là 5 con, 1 bên là chồng. Có thể thấy cái gánh nặng nuôi 1 ông chồng bằng cả 5 đứa con. Con cái thì chỉ cần có bát cơm, manh áo chứ người chồng như ông Tú thì tốn nhiều khoản quá. Lúc thì là tiền cho ông lều chõng đi thi, lúc thì là tiền cho ông xem hát ả đào,… Vất vả là thế nhưng bà Tú vẫn lo đủ. Quả là người phụ nữ đảm đang, tháo vát.
Nhưng để nuôi đủ thì quả là chẳng dễ dàng gì. Để có được cái tiếng thơm ấy, bà Tú đã phải trải qua biết bao gian khó:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Con cò vốn là hình ảnh quen thuộc trong ca dao Việt Nam. Chúng chăm chỉ, chịu khó kiếm ăn nơi đồng ruộng. Chúng thật thà nhưng đôi lúc cũng bị vu oan. Thân cò vẫn được dùng để chỉ những người phụ nữ hiền lành, nhỏ bé trong xã hội cũ. Họ cũng lam lũ, cũng tần tảo nắng mưa không khác gì thân cò. Ở đây, Tú Xương đã khéo léo mượn hình ảnh thân cò để ám chỉ thân phận của những người phụ nữ thời xưa. Họ là những con người nhỏ bé nhưng lại mang trên vai những gánh nặng lớn. Đó không chỉ đơn thuần là gánh hàng mà còn là gánh cả một gia đình. Dù là quãng vắng hay là buổi đò đông thì cũng đều có những nỗi khổ riêng. Quãng vắng thì chẳng ai mua hàng, phải lặn lội đi xa như thân cò. Buổi đò đông thì lại tranh giành nhau từng chỗ đứng rồi mua bán cãi cọ um xùm. Ai cũng như con chim xù lông giữa cuộc đời giông bão.
Chịu bao nỗi đắng cay, vất vả là vậy nhưng bà Tú cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác thời bấy giờ không lám lên tiếng than trách lấy nửa lời:
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Bằng cách sử dụng số từ có sự tăng tiến một, hai, năm, mười, Tú Xương đã cho thấy được cấp độ tăng tiến trong nỗi vất vả của vợ mình. Tú Xương đã đặt mình vào vị trí của người phụ nữ xưa, ông hiểu và thông cảm cho những nỗi khổ của vợ mình. Những từ như “âu đành phận”, “dám quản công” đã cho thấy sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ ấy. Đối với họ, những gánh nặng mà họ đang mang đã là số phận, chính vị vậy mà họ không dám than trách dù chỉ nửa lời. Đến đây, hẳn người đọc đã rất cảm phục tấm lòng của bà Tú, của những người phụ nữ Việt. Nhưng cũng chính vì lẽ cao cả ấy của vợ mà Tú Xương lại thấy hổ thẹn với mình. Vậy nên ông bật lên một câu chửi vừa là để tự xỉ vả mình, vừa là để chửi thay cho nỗi lòng bà vợ:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Tú Xương thương vợ phải vất vả vì mình. Tự cảm thấy hổ thẹn vì mang tiếng là người đàn ông, là trụ cột trong gia đình nhưng lại để vợ phải nuôi. Vậy nên ông tự chửi mình. Nhưng ông có lẽ cũng chẳng thể làm gì hơn khi mà sống trong xã hội phong kiến với thế lực đồng tiền lên ngôi, người có tài như ông cũng chẳng được trọng dụng nếu như không có tiền. Bao nhiêu lần đi thi là bấy nhiêu lần thất bại. Tú Xương có lẽ đã bất lực trước cuộc đời nghiệt ngã này.
Bài thơ Thương vợ cho ta thấy một người chồng hiểu và cảm thông cho nỗi vất vả của vợ. Nhưng cũng cho ta thấy một người chồng đáng thương khi hiểu mà không làm gì được cho vợ của mình.
Nhã Đan