Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
1. Đặc điểm nội dung
– Hai câu đề:
Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
(Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!)
Hai câu đề nêu quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ. Câu thứ nhất được dịch khá rõ nghĩa, duy từ lạ chưa thể hiện hết ý tứ của hai từ hi kì (hiếm, lạ, khác thường) trong nguyên tác. Hai từ hi kì được hiểu là những công việc lớn lao, trọng đại (mà kẻ làm trai phải gánh vác). Câu thứ hai có thể hiểu là lời nhân vật trữ tình tự nhắc nhở mình, kích động bản thân; Lẽ nào mình cứ để trời đất xoay đến đâu thì biết đến đấy, còn mình cứ như đứng ngoài, vô can? Lưu biệt khi xuất dương
Trước Phan Bội Châu, nhiều nhà thơ trung đại đã đề cập đến chí làm trai theo tinh thần Nho giáo. Chẳng hạn:
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu
(Phạm Ngũ Lão, Thuật hoài)
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
(Nguyễn Công Trứ, Đi thi tự vịnh)
Về cơ bản quan niệm về trí làm trai của Phan Bội Châu vẫn nằm trong vòng ý thức hệ Nho giáo. Dù vậy, có thể nhận thấy nét mới trong cách đặt vấn đề của nhà chí sĩ. Điều đó có được từ sự nhạy cảm trước đòi hỏi bức xúc của đất nước: khôi phục lại chủ quyền dân tộc đã mất vào tay quân xâm lược.
Hai câu thơ đầu bộc lộ một lẽ sống đẹp của chủ thể trữ tình: kẻ làm trai sống là phải dám làm những việc phi thường, hiển hách có tính chấn kinh thiên động địa, xoay chuyển càn khôn. Chí khí đó là sự tiếp nối lí tưởng nhân sinh cao cả của các nhà nho trung đại nhưng có gì đó táo bạo, quyết liệt hơn. Nhân vật trữ tình ở đây dám đối mặt với đất trời (càn khôn), với cả vũ trụ để khẳng định mình, tự vượt lên mộng công danh cá nhân nhỏ hẹp để vươn tới nhân quần, xã hội rộng lớn hơn. Lẽ sống mới tạo cho nhân vật trữ tình trong bài thơ một tư thế mới, tầm vóc mới, sánh ngang tầm vũ trụ. Phải là bậc hào kiệt trên đời này thì mới phát ngôn được những lời như vậy.
– Hai câu thực triển khai cụ thể ý tưởng về chí làm trai được đặt ra ở hai câu đề, nói về ý thức trách nhiệm cá nhân của trang nam nhi trước thời cuộc:
U bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.
(Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?
Câu 3 không đơn giản chỉ là nhận thức về sự hiện hữu của "cái tôi: mà còn hàm chứa một tâm niêm: Ta hiện diện trong thời gian này phải làm được một việc gì đó có ích cho cuộc đời. Câu 4, cụ Tôn Quang Phiệt dịch nghĩa là: Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Có tài liệu dịch câu này như sau: Còn như chuyện ngàn năm sau thì có người sắp tới; câu này giúp ta suy ra ý là: Ngàn năm sau lẽ nào chẳng có người nối tiếp công việc của người trước. Các bản dịch nghĩa đều làm rõ "cái tôi" đầy trách nhiệm của nhân vật trữ tình trước thời cuộc: thấy việc phải làm, không ỷ lại cho ai được. Hơn nữa, "cái tôi" ấy thấy rõ lịch sử là một dòng chảy liên tục, cần có sự chung tay góp sức của nhiều thế hệ nối tiếp. Đó là "cái tôi" công dân – "cái tôi" hành động, tham gia vào sự chuyển dời của càn khôn, vũ trụ.
Như ở mục I đã nêu, bước sang thế kỉ XX, sau thất bại của phong trào Cần vương, một bầu không khí u ám bao trùm toàn đất nước; nỗi thất vọng, bi quan đè nặng lên tâm can những người Việt Nam yêu nước. Tâm lí an phận, buông xuôi có nguy cơ ngự trị trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, lời thơ tâm huyết này của Phan Bội Châu như xói vào lòng người, kích thích ý thức trách nhiệm của mỗi người với đất nước, giục giã con người hành động cứu nước. Đấy chính là thơ của một nhà cách mạng.
– Hai câu luận tiếp tục triển khai vấn đề, gắn quan niệm về chí làm trai vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước nhà những năm đầu thế kỉ XX – thời điểm Phan Bội Châu "xuất dương lưu biệt":
Giang sơn tử hĩ đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
(Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng như ngu thôi!)
Câu 5 nói đến thực trạng đất nước ta vào buổi Phan Bội Châu xuất dương (non sông đã chết). Với nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước nồng nàn và cá tính mạnh mẽ của một con người hành động, ông đã đưa vào thơ những từ ngữ gây ấn tượng mạnh như tử hĩ (chết rồi), đồ nhuế (nhục nhã, nhơ nhuốc), si (ngu),… Đằng sau những từ mạnh mẽ, đầy ấn tượng đó là cốt cánh của một con người không cam chịu sống cuộc đời nô lệ, đắng cay (sống chỉ nhục). Thái độ quyết liệt ấy nằm trong nguồn mạch tư tưởng yêu nước, chống xâm lược từ văn thơ Nguyễn Đình Chiểu nửa sau thế kỉ XIX. Nhưng cảm hứng yêu nước trong thơ văn Đồ Chiểu vẫn nặng về chữ hiếu, trung; còn trong Xuất dương lưu biệt, nội dung yêu nước mang sắc thái mới của tư tưởng thời đại. Mang trong tâm nỗi đau xót của một người dân mất nước, lại chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, tư tưởng cải cách xã gội theo mô hình Âu – Mĩ,…(qua sách báo), dẫu là người từng gắn bó với cửa Khổng sân Trình, Phan Bội Châu đã nhận ra sự vô ích của nội dung học vấn, của kiểu học thời phong kiến trước đòi hỏi mới của đất nước, của thời đại: "Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!". Ông dè bỉu, chê bai thái độ, lối sống "nhắm mắt làm ngơ" trước thời cuộc, phê phán những ai vẫn còn tụng niệm giáo lí "thánh hiền" trong lúc đất nước đã rơi vào tay giặc, khi linh hồn của nho giáo đã bị tiêu vong.
Hiển nhiên Phan Bội Châu rất hiểu vai trò lớn, ý nghĩa của đạo Nho trong quá trình lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam, cụ thể, trong việc đào tạo những kiểu người thích ứng trong một thời kì lịch sử cụ thể nhất định. Điều ông muốn phát biểu qua bài thơ này, đặc biệt qua hai câu luận, là vấn đề thái độ trước hiện trạng của đất nước. Mục đích ông muốn tuyên truyền, vận động là hãy hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với Phan Bội Châu, vào lúc "lưu biệt xuất dương", điều đó là thước đo giá trị, là quan điểm để nhìn nhận, đánh giá tất cả các vấn đề khác. Lời thơ dịch sống thêm nhục, học cũng hoài dù là vậy cũng chưa chuyển tải hết khí lực dồi dào của các từ đồ nhuế, si trong nguyên tác.
– Hai câu kết thể hiện khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường của nhân vật trữ tình:
Nguyện trục tường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
(Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.)
Nếu đem đối chiếu với nguyên tác và bản dịch nghĩa, thì thấy, bản dịch thơ đã quá "thoái" ý trong nguyên tác. Mong muốn của tác giả thể hiện trong hai câu kết là đuổi theo con gió lớn qua biển Đông, cũng có nghĩa là tìm ra con đường mới cho đất nước, tìm ra một trường hoạt động khác để cho trang nam nhi được phỉ chí vẫy vùng trong bốn cõi. Câu thơ dịch đã chuyển một nguyện ước, khát vọng, một liên tưởng bay bổng thành sự miêu tả cụ thể, do vậy, chưa truyền đạt được hào khí lên đường và trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ: bay lên làm quẫy sóng đại dương hay bay lên cùng những đợt sóng trào sôi vừa hiện trong tâm tưởng lúc chia tay – nhất tề phi. Tâm thế và tư thế của nhân vật trữ tình lúc này là muốn lao ngay vào trường hoạt động cách mạng ở bên kia đại dương. Khát vọng cháy bỏng đó được hàm chứa trong hình ảnh thật lãng mạn, thật hào hùng. Hình tượng thơ làm hiển hiện trước mắt người đọc hàng ngàn đợt sóng đại dương sôi réo, trắng xóa đang bay lên. Đó là một hình tượng vừa kì vĩ, vừa thơ mộng thể hiện được quyết tâm phơi phới, lòng tự tin cùng sự thăng hoa của nghệ sĩ – nhà cách mạng dám đương đầu với mọi thử thách để thực hiện lí tưởng cứu dân cứu nước của mình.
2. Đặc điểm về nghệ thuật
– Bài thơ được tổ chức theo kết cấu của một bài thơ Đường luật, thể thất ngôn bát cú, đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật trữ tình – tác giả – với sự vận động của cảm xúc theo quá trình diễn biến như sau:
+ Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ (hai câu đề).
+ Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc (hai câu thực).
+ Thái độ quyết liệt trước thực trạng nước mất nhà tan và những tín điều xưa cũ của Nho giáo (hai câu luận).
+ Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường (hai câu kết).
– Bài thơ được viết theo bút pháp ước lệ, phóng đại của thơ tỏ chí thời trung đại rất có lợi cho mục đích tuyên truyền, vẫn động cách mạng. Tư tưởng hành động để cứu dân cứu nước, nhiệt huyết trào sôi của tác giả đã đem lại cho câu chữ, hình ảnh vốn đã quen được sử dụng trong thơ cổ điển một nội dung mới, hiện đại – nội dung cách mạng, khiến cho bài thơ có sức lay động mạnh mẽ, thấm thía. Chính vì vậy, bài thơ thể hiện tình cảm lưu biệt của Phan Bội Châu lúc ông xuất dương nhưng cũng là lời thúc giục hành động, mời gọi lên đường của ông. Bài thơ tương xứng với một nhân cách đáng ngưỡng mộ, tầm vóc vĩ đại của một "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng".
– Tuy còn có một số từ ngữ trong nguyên tác chưa được người dịch lột tả hết ý tứ nhưng dẫu sao, đây cũng là một bản dịch thơ rất hay, giúp người đọc hiểu được gần như trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm.