Văn mẫu lớp 11

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ có bốn câu, hai câu trên tả cảnh thiên nhiên rừng núi, hai câu dưới nói đến lao động của con người xóm núi.

Câu 1 và 2 gợi tả bức tranh thiên nhiên vùng núi:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;

Trước hết, ta cần chú ý đến không gian nghệ thuật của bài thơ: không gian là cảnh núi rừng. Giữa rừng núi, người tủ ngẩng đầu nhìn bên bầu trời cao, nhận ra một cánh chim mỏi mệt đang trở về rừng tìm nơi trú ngụ, một chòm mây lẻ loi, cô đơn (cô vân) cũng đang trôi chầm chậm, lững thững dường như muốn tụ lại một chốn nào đó để nghỉ ngơi. Chim bay về tổ là dấu hiệu trời về chiều, sắp tối. Hình ảnh miêu tả không gian mà mang ý nghĩa thời gian. Ở đây, chim không bay mà "chim mỏi" – mỏi mệt sau một ngày bay đi kiếm ăn. Hình ảnh chim chiều cũng là tâm trạng của tác giả. Nhà thơ cũng mỏi mệt sau một ngày bị xiềng gông, bị áp giải từ nhà tù Tĩnh Tây đến nhà tù Thiên Bảo. Câu thứ hai còn bộc lộ rõ tâm trạng của người đi tù: Chòm mây dường như cũng có linh hồn, cũng buồn, cũng có tâm trạng. Dĩ nhiên đó là tâm trạng của người từ tỏa vào cảnh vật. Trong một bức tranh buồn – cảnh buồn mà người cũng buồn. Điều này dễ hiểu. Trong cuốn Những mẩu chuyển về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên viết: "Mỗi buổi sáng, gà gáy đầu, người ra giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ra đứng lại ở một địa phương nào đó, giam Cụ Hồ vào trong xà lim". Không buồn sao được khi thân thể Người bị đày đọa khổ ải ở nơi xa Tổ Quốc, đồng bào lại không biết đến ngày nào mới được trả tự do. Thiên nhiên hoang vu, vắng lặng như nhân lên nỗi buồn chất chứa trong lòng tác giả. Hai câu thơ tuy cũng sử dụng hình ảnh ước lệ (chim, mây) thường thấy trong thơ trung đại nhưng rất tự nhiên, sống động. Nội dung xúc xảm của nhà thơ chiến sĩ làm cho câu thơ cổ điển đậm chất hiện đại.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

– Câu 3 và 4 của bài thơ làm tỏa sáng bức tranh chiều thu ảm đạm, làm ấm lòng người tù:

Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than rực lửa hồng.

Hai câu thơ cho thấy sự vận động của thời gian từ lúc chiều tối đến lúc tối hẳn. Trong nguyên tác chữ Hán không có chữ tối mà nói được tối. Hình ảnh cô gái xay ngô bên lò than rực lửa hồng đến với nhà thơ một cách tự nhiên. Thực ra, rất có thể là than đó vẫn còn đỏ lửa vì trời đã tối hẳn nên nhìn mới thấy "rực hồng" là vì vậy. Thơ cổ điển dùng cái tĩnh để nói cái động. Thơ Hồ Chí Minh dùng cái sáng để nói cái tối, nghệ thuật là ở đó, tự nhiên như không hề sắp đặt.

Ở cuối câu 3 và đầu câu 4 có sự lặp lại mấy chữ “ma bao túc”, “bao túc ma hoàn” vừa diễn tả được sự xoay tròn của cối xay ngô, vừa diễn tả nhịp thời gian trôi, trôi theo vòng xoay của công việc đến lúc “lô dĩ hồng”, lò đã rực hồng. Chữ hồng ở cuối bài thơ là một “nhãn tự” (mắt chữ). Trong bài Bác hồ làm thơ và thơ của Bác, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã bình chữ hồng đó như sau: “Với chữ hồng đó, có ai còn cảm giác nặng nề mệt mỏi nhọc nhằn nữa đâu mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia”. Vậy là ở câu chuyển và câu hợp của bài thơ tứ tuyệt này, cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động của cảm xúc, của tư tưởng nhà thơ từ bóng tối ra ánh sáng, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm áp, từ buồn đến vui. Trên nền tối lạnh lẽo, âm u của vùng trời núi ấy, con người lao động thành trung tâm tỏa ra ánh sáng và sự sống.Bài thơ có sự vận động: nếu hai câu đầu tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên thì hai câu thơ sau lại miêu tả bức tranh về đời sống con người, mang tính chất sinh hoạt vừa cụ thể vừa sống động, điều mà trong thao tác tư duy thơ, các nhà thơ trung đại ít khi thể hiện. Theo đó, điểm nhìn của nhà thơ cũng vận động từ trên cao xuống dưới thấp, thời gian cũng có sự vận động từ chiều tà đến tối, song đó không phải là đêm tối lạnh lẽo âm u mà là đêm tối bừng sáng, ấm áp của ngọn lửa hồng. Nó cho ta thấy mạch thơ của bác luôn có sự vận động hướng đến sự sống, ánh sáng, tương lai. Đây là một nét phong cách của thơ Hồ Chí Minh: tư tưởng và hình tượng nghệ thuật luôn luôn vận động hướng về sự sống và ánh sáng.

Xem thêm:  Phân tích các yếu tố từ ngữ, phép lặp cú pháp, nhịp điệu trong các dòng thơ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Chiều tối là bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho thơ trữ tình của Hồ Chí Minh trong tập Nhật kí trong tù. Đặc sắc của bài thơ là ở chỗ chủ thể trữ tình không bày tỏ trực tiếp tâm trạng của mình mà gửi gắm qua các hình ảnh khách quan của ngoại cảnh. Ngôn ngữ thơ hàm súc, vừa cổ điển vừa hiện đại. Bài thơ là sản phẩm của một tâm hồn lớn, là bản lĩnh phi thường vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để giữa vững tinh thần lạc quan của một con người biết làm chủ bản thân và làm chủ ngoại cảnh.

Post Comment