Văn mẫu lớp 8

Nếu được chứng kiến cảnh Lão Hạc bán chó và câu chuyện của lão với ông Giáo, em sẽ kể lại câu chuyện đó như thế nào.

Đề: Nếu được chứng kiến cảnh Lão Hạc bán chó và câu chuyện của lão với ông Giáo, em sẽ kể lại câu chuyện đó như thế nào.

Hướng dẫn

Nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi là một vùng quê nghèo bình dị, nơi đây chỉ có những ngôi nhà nhỏ xập xệ, những mảnh vườn xác xơ, tiêu điều, nghèo như chính chủ nhân của nó vậy. Đất hiền sinh ra con người cũng hiền…Những người nông dân quê tôi chất phác, chân thành, trọng nghĩa tình, sống có trước có sau…Tôi yêu mảnh đất quê hương mình qua từng bài thơ, câu hát:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay…”.

Tôi yêu thơ ca, yêu văn chương nhưng gia đình không có điều kiện để đi học. Đối với tôi, sách là một báu vật dù có sống cả một đời tôi cũng không thể mua nổi. May thay, tôi có một người chú làm ông giáo, tôi thường sang nhà chú chơi với hai em, sẵn tiện đọc cọp vài ba quyển sách hiếm hoi còn sót lại của chú…Một ngày như mọi ngày, tôi mò sang nhà chú vờ mang sang cho thím mấy con cá rô bắt được ở ngoài đồng nhưng mục đích chính là đọc tiếp quyển sách còn đọc dỡ hôm trước. Vô tình, tôi chứng kiến một chuyện hết sức cảm động: Lão Hạc đang kể chuyện bán cậu Vàng cho chú tôi nghe…

Tôi đang nhẹ nhàng, cẩn thận giở từng trang sách như sợ nếu mạnh tay nó sẽ đau thì bất chợt thấy Lão Hạc thơ thẩn, chậm rãi đi vào sân. Tôi không lạ gì Lão Hạc, ông ấy là một người rất đáng thương. Tôi nghe mọi người kể lại: Lão Hạc rất nghèo, vợ ông đã mất từ lâu, anh con trai vì không lo nổi tiền thách cưới nên mất người yêu, buồn tình lên sở mộ phu kí giấy đi đồn điền cao su biền biệt năm sáu năm, bỏ lại lão một mình cô độc, tuổi già sức yếu không ai quan tâm, chăm sóc. Lão có mấy sào vườn nhưng dù có nghèo khổ, túng thiếu đến đâu vẫn nhất quyết không chịu bán. Lão sống rau cháo qua ngày nhờ vào tiền làm thuê, còn tiền bòn vườn lão để dành riêng ra sau này cho con trai cưới vợ hoặc cho vợ chồng nó chút vốn làm ăn…

Đúng như dân gian hay nói “đã nghèo còn mắc cái eo”, Lão Hạc bị ốm, ốm một trận “đúng hai tháng, mười tám ngày”. Thì ra, đây chính là lý do vì sao thời gian gần đây tôi không thấy lão xuất hiện. Hôm nay trông lão già đi nhiều, tiều tuỵ và hốc hác. Đôi mắt đã nhỏ nay lại càng trũng sâu vào trong, làn da xanh xao giờ chuyển sang xám ngắt…Lão yếu người đi nhiều, cả bước chân cũng không được vững vàng.

Xem thêm:  Em thử đóng vai chị Dậu và kể lại cảnh diễn ra trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trong Tắt đèn) theo ngôi thứ nhất.

Lão vừa thấy chú tôi đã cất tiếng ngay: “Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!”. Chú tôi áy ngại nhìn Lão Hạc nghi hoặc: “Cụ bán rồi?”. Lão cố tỏ ra vui vẻ, làm điệu bộ như không có chuyện gì xảy ra: “Bán rồi! Họ vừa bắt xong”. Dường như câu nói “Họ vừa bắt xong” đã chạm đến tận cùng tâm can của lão, lão không còn đủ sức gượng gạo làm vẻ mặt vui mà cười như mếu. Đôi mắt lão ầng ậng nước, mặt lão bỗng dưng co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau cố ép cho nước mắt chảy ra hệt như tôi vắt chanh…Đầu lão nghẹo sang một bên, từ từ chuyển sang mếu máo rồi khóc oà như một đứa trẻ: “Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Nghe đến đây, tôi không còn tâm trí đâu chú ý đến quyển sách trên tay, tôi xếp nó lại rồi cẩn thật đặt vào chỗ cũ để nghe tiếp câu chuyện. Chú tôi lúng túng chẳng biết phải làm thế nào đành lựa lời an ủi: “Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác”. Lão Hạc ngẫm nghĩ giây lát rồi cay đắng thốt lên: “Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…”. Chú tôi lại một lần nữa phải khéo léo lựa lời nhưng cũng không thể giấu nỗi sự chua chát: “Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?”. Lão Hạc bật lại một câu khiến tôi cũng bùi ngùi chạnh lòng: “Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?”. Nói rồi lão cười và ho sòng sọc. Chú tôi khi ấy đã bình tĩnh hơn, nói tránh sang chuyện khác để ông lão dịu lại: “Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng”. Hình như phương pháp này đã có tác dụng phần nào, tâm trạng Lão Hạc đã ổn định, lão cười gượng nhưng tiếng cười đã lại đôn hậu: “Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng”. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa xem xong một vở kịch đầy kịch tính. Chú tôi hình như cũng vừa trút được một tảng đá trong lòng, đon đả mời: “Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước”. Nhưng Lão Hạc từ chối ngay: “Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác...”. Chú tôi hơi bất ngờ vì lời từ chối nhưng đã nhanh miệng: “Việc gì còn phải chờ khi khác?… Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại cụ ơi. Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm!”. Không thể chối từ lời đề nghị chân thành từ chú tôi, lão Hạc đành ở lại. Với vẻ mặt nghiêm trang, lão bảo chủ tôi rằng: “Ðã biết thế, cảm ơn bác, nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc…”. Chú tôi hỏi đó là việc gì, ông lão bắt đầu nói bằng một giọng điệu nhỏ nhẹ. Chắc vì phải lựa lời nên lão nói rất dài dòng, tôi nghe rất nhọc nhằng, nhưng đại loại ý của lão Hạc nói về hai việc thế này: Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Chú của tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn gửi nhờ ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho chú tôi để không ai còn tơ tưởng dòm nhó đến ; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên chú tôi cũng được. Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi thầy để lỡ có chết thì chú tôi sẽ đem ra, nói với hàng xóm gi&ua
cute;p, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả…”. Lão Hạc dặn dò, nhờ vả chú tôi những chuyện hệ trọng như thể sắp đi xa lắm…Cả một đời, lão sống thật thà, ngay thẳng, được lòng hàng xóm láng giềng, đến lúc chết cũng tính toán chu toàn, không để phiền hàng xóm…Thật đáng khâm phục! Ngồi nhấp với chú tôi vài ngụm chè thì Lão Hạc xin phép ra về. Nhìn cái dáng vẻ thất thểu, già nua đáng thương của lão tôi thấy chạnh lòng quá. Tại sao cuộc đời lại có thể đối xử tàn nhẫn với một người luơng thiện thế kia?

Xem thêm:  Phân tích bài thơ ‘Cảnh khuya’ của Bác Hồ

Bản thân tôi cũng không có gì để giúp lão, tôi cũng còn quá nhỏ để có thể tinh tế như chú tôi khéo léo an ủi lão, động viên tinh thần lão…Cụôc trò chuyện của Lão Hạc với chú tôi ngày hôm nay tôi sẽ không thể nào quên được. Nó gieo vào tâm trí tôi những suy nghĩ “vượt quá lứa tuổi” của một đứa trẻ – những suy nghĩ về phận người, về cuộc đời, về tình thương…

Post Comment