Văn mẫu lớp 6

Nêu cảm nhận sau khi đọc truyện cổ tích Cây bút thần

Nêu cảm nhận sau khi đọc truyện cổ tích Cây bút thần

Hướng dẫn

Chúng ta đã được học, được nghe kể nhiều truyện cổ tích Việt Nam về những nhân vật có tài năng kì lạ như truyện Thạch Sanh, truyện Em bé thông minh… Loại truyện này cũng được kể, được ghi lại ở nhiều nước trên thế giới. Truyện Cây bút thần là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé Mã Lương nhà nghèo nhưng có tấm lòng nhân hậu, thương yêu dân nghèo, căm ghét bọn bất lương, độc ác. Em có tài năng hội hoạ kì lạ, một phần do chính năng lực của mình, một phần được thần linh giúp đỡ. Tương tự với tài năng, dũng khí của Thạch Sanh, trí khôn của em bé thông minh trong cổ tích Việt Nam, tài năng và tấm lòng của em bé Trung Quốc ấy luôn hướng về nhân dân, làm theo ý nguyện người dân, chứ không theo ý bọn thống trị. Nói khác đi cây bút của Mã Lương đã giúp người lương thiện, một cách chân tình, chống kẻ tham tàn một cách kiên quyết.

1. Cây bút tích tụ công sức con người và phép nhiệm màu của thần linh

Vào đầu câu chuyện, chúng ta bắt gặp em bé thông minh tên là Mã Lương. Cảnh ngộ gia đình em thật khốn khổ. Cha mẹ mất sớm, em sống tự lực bằng những công việc lao động vất vả: chặt củi, cắt cỏ kiếm ăn hằng ngày. Nhà nghèo đến nỗi, Mã Lương không có tiền để mua một chiếc bút. Vậy mà em lại yêu thích môn vẽ, rất chăm học vẽ. Em học vẽ trong lao động, tập vẽ ở bất cứ chỗ nào. Trong nhà em "bốn bức tường dày đặc các hình vẽ". Nét vẽ của em tiến bộ dần dần. Em vẽ chim, người ta tưởng như sắp được nghe tiếng chim hót, vẽ cá ngỡ như trông thấy cá đang bơi lội. Nói khác đi, nhờ năng khiếu, trí thông minh và tinh thần say mê rèn luyện, bàn tay người hoạ sĩ như có hồn, hay chính người hoạ sĩ đã thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Em vẽ bằng gì? Nghèo, không đủ tiền mua bút, Mã Lương dùng những công cụ lao động thay bút. Khi thì lấy que củi vạch xuống đất, lúc nhúng ngón tay vào nước vẽ trên mặt nước, vẽ trên tường. Không có bút mà nét vẽ của Mã Lương sinh động, tài hoa như thế. Nếu có cây bút trong tay… Nhiều đêm Mã Lương mơ ước có một cây bút. Và kì diệu thay, tài năng, khát vọng của người hoạ sĩ tí hon dã thấu lòng trời. Hoạ sĩ được thần tặng cho cây bút, "cây bút bằng vàng sáng lấp lánh". Từ đây, Mã Lương thực sự trở thành một hoạ sĩ tài năng. Cây bút của Mã Lương vẽ chim, chim tung cánh, hót líu lo, vẽ cá, cá trườn xuống sông bơi lượn tung tăng. Như vậy, tài năng hội hoạ của Mã Lương là sự hoà hợp trí tuệ, cồng sức của con người với phép màu của thần linh. Nếu Mã Lương không có thực tài, không khổ công học tập, rèn luyện, chắc rằng thánh thần không cho bút. Và cây bút vàng kia phải chăng là một phần thướng xứng đáng cho người học trò có tài và có chí. Hai yếu tố: con người và thần linh, nội lực và sự giúp đờ của bên. ngoài hài hoà với nhau, tạo nên "cây bút thần". Cây bút thần chỉ có phép màu khi Mã Lương vẽ, còn những kẻ khác dùng bút thì… phép màu tiêu tan… Câu chuyện cứ đan xen sự thật với yếu tố thần kì, vừa gắn với tài vẽ của nhân vật trong truyện, vừa gợi cho người nghe, người đọc những bài học thấm thìa về tài năng và quá trình rèn luyện để thành tài…

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngũ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

2. Cây bút giúp đỡ người lương thiện

Sau khi có bút thần, Mã Lương vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. "Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn…". Những tác phẩm hội hoạ Mã Lương vẽ tặng dân làng không phải là thóc gạo, nhà cửa, vàng bạc, châu báu mà là cái cày, cái cuốc, cây đèn, cái thùng,… Điều này không phải vô cớ! Chàng hoạ sĩ không vẽ của cải vật chất có sẩn để hưởng thụ mà vẽ các công cụ cần thiết cho cuộc sống để người dân sản xuất, sinh hoạt, tạo ra thóc gạo, nhà cửa và các của cải khác. Vẽ tặng những bức tranh "cái cày, cái cuốc" như thế, Mã Lương như ngầm nói với dân làng rằng: của cải mà chúng ta hưởng thụ phải do chính bàn tay, khối óc của chúng ta làm ra, sự giúp đỡ chỉ là phương tiện hỗ trợ phần nào mà thôi. Cây bút của Mã Lương vừa mang sức mạnh kì diệu của thần linh vừa thấm đẫm sắc màu, đường nét của tấm lòng, trí tuệ con người. Rất thương dân làng mình nghèo khổ thiếu thốn, nhưng Mã Lương không chiều họ, tặng họ của cải ăn sẵn. Chàng đã nhắc nhở họ phải cầm lấy cày đi cày ruộng, cầm lấy cuốc mà cuốc vườn, không nên lười biếng, ỷ lại. Việc vẽ tranh tặng dân làng của Mã Lương gợi chúng,ta nhớ một câu nói cửa miệng, cũng là một thái độ ứng xử đúng đắn của nhân dân ta: "Tôi không cho anh con cá để anh ăn sẵn mà tặng anh cái cần câu để anh tự đi câu cá mà ăn". Cây bút thần và bàn tay người hoạ sĩ Mã Lương kì diệu và sáng suốt làm sao!

3.Cây bút chống kẻ tham tàn

Tài năng, tấm lòng của Mã Lương được truyền tụng khắp vùng. Người tốt thì ngợi khen, quý trọng. Kẻ xấu ắt nảy lòng ghét ghen, ham muốn. Mã Lương và cây bút thần phải đối mặt với kẻ ác.

Xem thêm:  Tả cảnh một lần đi học bị trời mưa

Trước hết là đối với tên địa chủ trong làng. Hắn đã bắt Mã Lương về nhà, ép vẽ theo ý của hắn. Mã Lương quyết không làm theo. Hắn giam Mã Lương nhằm hãm hại em. Nhưng, cây bút và sự thông minh đã giúp Mã Lương trốn thoát. Cuộc thử thách tài năng và ý chí đối với Mã Lương mỗi lúc một tăng lên. Lúc đầu, cây bút nằm im tỏ thái độ bất khuất. Nhưng rồi, câv bút vẽ lò sưởi, vẽ bánh, vẽ thang để bảo vệ và giải thoát cho Mã Lương. Đến lúc nguy hiểm nhất "bút thần" đã "biến" thành ngựa, cung, tên tiêu diệt tên địa chủ. Thế là, những bức tranh vốn lành hiền bỗng hoá thành vũ khí. Ngòi bút và tài năng của người hoạ sĩ linh hoạt, sắc nhọn như gươm giáo, vừa bảo vệ người lương thiện vừa chống lại kẻ độc ác tham lam. Tiếp sau tên địa chủ, Mã Lương phải đôi mặt với nhà vua. Lần này, đối thủ của người hoạ sĩ tí hon có uy quyền lớn hơn, lớn nhất nước và lòng tham, sự tàn ác cũng lớn hơn, lớn không ai sánh kịp. Cuộc đấu trí của Mã Lương căng thẳng, phức tạp hơn. Do đó mưu mẹo, trí khôn của Mã Lương cũng khéo léo và sáng suốt hơn. Hiệp đấu thứ nhất: Mã Lương làm ngược lại ý nhà vua. Vua bắt vẽ rồng, em vẽ con cóc ghẻ. Vua bắt vẽ phượng, em vẽ con gà trụi lông. Hai con vật đó vừa xấu vừa bẩn "nhảy nhót tứ tung bện cạnh nhà vua", như giễu cợt, trêu lức nhà vua. Hiệp thứ hai: Mã Lương bị hạ ngục, bút rơi vào tay vua. Thay Mã Lương, bút chống lại vua. Lòng tham của vua mỗi lúc một dâng cao thì "bút thần" cũng "đánh trả" mỗi lần thêm mãnh liệt. Vua vẽ núi vàng, núi vàng thành tảng đá nặng từ "đính núi lăn xuống, suýt đè gãy chân vua". Vua vẽ một thỏi vàng dài không biết bao nhiêu thước thì thỏi vàng thành "con mãng xà dài, miệng há hốc, đỏ lòm, đang bổ lại phía hắn"… Hiệp thứ ba, Mã Lương và "bút thần" đấu dịu hơn, nhưng lại tinh khôn và kiên quyết hơn. Em nhận vẽ theo ý muốn của nhà vua. Đầu tiên, em vẽ biển, "biển rộng mênh mông, xanh biếc". Tiếp sau, em vẽ cá, rồi vẽ thuyền, vẽ gió. Cả ba thứ ấy đều thoả mãn lòng ham ìnuốn của nhà vua. Nhưng tên vua ấy đâu chỉ ham muốn chừng mực như người khác. Hắn luôn mang thói hợm hĩnh, kì quái, luôn có những ham muốn cực đoan và đòi hỏi người khác phải chiểu theo ý mình. Vâng, Mã Lương đã "chiều" theo ý vua. Em vẽ gió và sóng để đẩy thuyền vua ra khơi. Rồi theo lệnh vua "cho gió to thêm một tí", cây bút của Mã Lương "đưa thêm mấy nét… tô thêm nhiều nét bút nữa… tiếp tục vẽ những đường cong lớn…". Từng nét, từng đường, từng mảng màu từ ngòi bút của Mã Lương trút xuống bức tranh biển cả, đồng thời đánh thức từng ngọn gió, từng con sóng… Từ ngọn gió nhỏ, con sóng lăn tăn, dần dần biến thành dông tố, sóng cồn. Gió mạnh nổi lên, biển động dữ dội. Càng về sau, ngòi bút của Mã Lương càng vung mạnh. Lòng em sôi sục căm hờn. Sóng gió và biển đã nổi giận cùng với em…"Gió bão càng to, mây đen kéo mù mịt, trời tối sầm,…". Kết quả là: cả tên vua lẫn quần thần bị nhấn chìm trong biển cả,… Hình ảnh cuối của truyện "Mã Lương vờ như không nghe thấy, cứ tiếp tục vẽ" đẹp như vị thiên sứ trời sai xuống để tiêu diệt kẻ ác, thực hiện công lí. Và để thực hiện công lí, chàng hoạ sĩ tí hon vừa được trời giúp đỡ vừa có trí thông minh, bền bỉ rèn luyện tài năng và lòng dũng cảm, ý chí kiên cường quyết không đội trời chung với kẻ ác, cái ác.

Xem thêm:  Tả con ngựa

Câu chuyện kết thúc có hậu. Sau thắng lợi rồi, Mã Lương lại trở vể làm một người bình thường, gắn bó với ruộng đồng, tiếp tục sứ mệnh vinh quang, đem bút thần giúp đỡ người lương thiện.

Cây bút thần là truyện cổ tích về nhân vật có tài năng kì lạ. Cây bút thần và bàn tay vẽ của Mã Lương có một khả năng và sức mạnh kì diệu vừa là chi tiết tưởng tượng, thần kì vừa chứa đựng yếu tố hiện thực. Truyện thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghê thuật. Hội hoạ nói riêng, các bộ môn khác như văn thơ, âm nhạc,… phải biết hướng về nhân dân giúp người lương thiện chống kẻ tham tàn thì nghệ thuật ấy mới có sức mạnh, có khả năng thần kì. Câu chuyện cũng thể hiện ước mơ của nhân dân về những khả năng kì diệu của con người để giúp cho người lương thiện đối phó với bọn bất lương hằng ngày theo dõi hãm hại con người. Truyện vẻ một cây bút lặng lẽ mà cất lên bao lời nhắn gửi thiết tha, không chỉ gửi tới người nghe, người đọc bình thường mà tới cả các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ,… tài danh nữa đấy!.

Post Comment