Văn mẫu lớp 8

Kể lại giấc mơ gặp lại người thân sau bao ngày xa cách

Kể lại giấc mơ gặp lại người thân sau bao ngày xa cách

Hướng dẫn

Ngân ơi mẹ có mua trái cây mà con thích nhất nè…” – tiếng mẹ tôi trìu mến, ngọt ngào mang đậm chất con gái miền tây sông nước. “Aaaaaa, mận…”, đúng, là mận, tôi rất thích ăn trái cây, đặc biệt là mận. Cầm trái mận lên cắn một miếng rõ to, tôi cảm nhận vị ngọt gắt của nó trôi dần xuống cổ họng…Cảm xúc khó tả…Mận ở thành phố không giống mận ở quê mà ông ngoại trồng. Mận ông ngoại trồng vị ngọt rất thanh tao, không chỉ ngọt mà còn có chút vị chua rất ngon, rất hấp dẫn. Từ ngày về thành phố, tôi thèm cái vị ấy biết bao…Sau giờ cơm trưa tôi leo lên cái võng sau nhà vừa lắc lư vừa nghe nhạc vừa nhớ quê ngoại, nhớ ông bà ngoại, nhớ cây mận sau nhà…Bao lâu rồi tôi không về thăm miền đất ấy?…Rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết…tôi mơ thấy mình đang ở nhà ngoại – vùng đất cù lao ngọt ngào với những vườn trái cây ngọt ngào, trù phú…

Thân bài

Quê ngoại tôi ở Quới Thiện, đó là dãy đất cù lao thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long – một trong những tỉnh thành của miền tây sông nước nổi tiếng với những vườn trái cây ngọt ngào, trù phú. Tôi ở với ông bà ngoại từ lúc lọt lòng, đến năm lớp sáu mới theo cha mẹ ra phố. Vì vậy mà tuổi thơ của tôi đầy rẫy những cam, mận, ổi, xoài và cả dừa, cả bưởi,…Tôi rất thích trái cây, từ lúc nhỏ đến bây giờ vẫn thế, tôi có thể ăn trái cây trừ cơm mà không biết đói. Mọi người vẫn hay trêu tôi rằng “Nó lớn nhờ trái cây chứ có tốn cơm gạo gì đâu”, tôi chỉ cười tít mắt lên rồi tỏ vẻ đồng tình: “Dạ con có thể ăn trái cây để sống cả đời cũng được…mà con thấy chỉ có trái cây ngoại con trồng là ngon nhất”. Ai cũng bảo tôi là một đứa dẻo miệng, lắm lời và khéo nịnh ngoại. Trước nhà tôi ngoại có trồng một cây mận gần như cho trái quanh năm, lúc nào cành cũng sai trĩu quả khiến ai đi ngang cũng phải trầm trồ khen ngợi.

Xem thêm:  Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức được thể hiện như thế nào trong câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người

Trong mơ tôi thấy ông ngoại, bà ngoại từ trong nhà chạy ra dang tay đón chào tôi, ôm tôi vào lòng như sợ tôi sẽ biến mất nếu không giữ lại. Rồi bà mắng yêu tôi: “Đủ lông đủ cánh rồi bay đi khắp nơi đâu thèm nhớ ngoại nữa”. Tôi mau mắn trả lời: “Dạ đâu có, lúc nào con cũng nhớ ngoại, nhớ vườn trái cây sau hè…”. Ông ngoại lại thêm vào: “Phải rồi, mà nhớ ngoại thì ít, nhớ trái cây thì nhiều…”. Tôi chỉ le lưỡi mỉm cười tự bào chữa: “Dạ không, con nhớ ông ngoại, nhớ bà ngoại nhiều nhất…”. “Rồi, rồi! Tôi biết cô lúc nào cũng dẻo miệng, giỏi nhất là nịnh người khác thôi. Vào nhà rửa mặt nghỉ ngơi đi con, để ông với bà ngoại bắt con gà trộn gỏi nấu cháo bồi dưỡng cho cháu ngoại” – Ông tôi cắt lời. Tôi chạy ù ra sau nhà vốc một bụm nước mưa mát lạnh đưa lên rửa mặt, nước chảy đến đâu dễ chịu đến đó. Cách đó mấy bước chân là cây mận đang mùa sai trĩu quả, đỏ hồng cả một góc vườn. Đó là cây mận Hồng Đào ông tôi rất quý, nó như một minh chứng hùng hồn gợi nhắc về thời chiến tranh khói lửa của mấy mươi năm về trước. Với tay bẻ một trái mận chín hồng đúng như cái tên cả nó, vị ngọt thanh có chút chua khiến tôi thích thú vô cùng. “Đúng là chỉ có trái cây nhà ngoại trồng mới ngon” – tôi tự nhủ thầm. Tựa người vào cái khạp da bò tôi nhìn ngắm bao quát cả khu vườn, nó không rõ ràng mà cứ mờ mờ ảo ảo trong mắt tôi. Ăn hết trái mận, tôi chạy vào bếp phụ ngoại làm con gà mái tơ nuôi trong vườn. Ngoại nhìn tôi cười nói rất nhiều…Bà hỏi tôi chuyện học hành, chuyện gia đình trên đó, hỏi tôi về bé Ben – đứa em trai nghịch ngợm nhưng cũng rất biết làm vui lòng người khác. “Sao ba mẹ và em Ben không về cùng con?”. Tôi cũng không nhớ mình đã trả lời như thế nào với bà vì chính tôi cũng không biết vì sao. Tôi chỉ biết, ngay lúc này đây, bà ngoại đang rất vui vì đã lâu lắm rồi đứa cháu gái mới lại về thăm…Bà tôi cười hiền như một bà tiên, trông bà đã già đi rất nhiều so với cái lần cuối cùng tôi về nghỉ hè ở quê. Ông tôi thì đang đứng nhóm lửa phía nhà bếp. Tấm lưng của ông dường như khom nhiều hơn trước, tấm lưng rắn rỏi ngày nào cõng tôi đi học nay đã gầy nhom và chi chít những nốt đồi mồi…Thỉnh thoảng, ông lại quay sang trêu tôi: “Ở trên đó chắc là thèm trái cây dữ lắm!”…Cuối cùng, nồi cháo gà thơm phức cũng đã chín, tôi cùng ông bà ngồi quay quần bên nhau thưởng thức vị cháo quê hương mà chỉ bà tôi mới có thể nêm tròn trịa đến vậy. Mùi hành thơm lừng, mùi tiêu cay nồng khiến khoé mũi tôi cay cay hay là tôi đang khóc? Khóc vì cảm động, vì hạnh phúc, vì biết rằng ông bà vẫn còn khoẻ mạnh dõi theo từng bước chân tôi đi…

Xem thêm:  Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ của “học” và “hành” – Bài tập làm văn số 6 lớp 8

Dậy đi Ngân, chiều nay nhà mình ăn cháo gà đổi món nhé! Cháo gà thơm ngất ngây, ngon đúng điệu đây! Em Ben chờ chị hai nãy giờ đó...”. Cháo gà…thì ra là mùi hương từ nồi cháo gà mẹ nấu dưới bếp bay lên xộc vào mũi làm tôi mơ thấy được ngồi cùng ông bà ngoại ăn cháo gà trên chiếc giường tre dưới gốc cây mận…Tiếc làm sao! Phải chi mẹ đừng gọi tôi, tôi sẽ có thể ngồi với ông bà ngoại lâu hơn một chút, có thể khoe khoang những “thành tích” đáng nể của mình và vòi vĩnh quà từ ngoại…Cháo gà được nuôi công nghiệp cũng không ngon bằng cháo gà thả vườn nhà ngoại. Dù mẹ tôi đã cố gắng rất nhiều để nấu cho thật giống món cháo gà mà tôi gọi là “cháo quê hương” nhưng hình như nó vẫn còn thiếu chút gì đó…Phải chăng là “vị hồi ức”? Bởi gì cái gì đã không có nữa người ta mới nhận ra nó đặc biệt…

Kết bài

Giấc mơ nhắc nhớ con người ta những điều ngỡ đã quên nhưng vẫn in hằn sâu trong kí ức. Nó không mất đi mà chỉ bị những kí ức mới che đậy, đến một lúc nào đó sẽ tự nhiên trỗi dậy mãnh liệt khiến con người ta bối rối tự trách mình…Tôi quyết định xin phép mẹ cuối tuần về thăm ngoại, thăm quê, thăm cây mận, thăm – tuổi – thơ bấy lâu bị nhấn chìm sâu trong quên lãng….Tôi sẽ sà vào lòng ông bà như thuở xưa vẫn thường hay làm nũng, sẽ kể ông bà nghe những gì đã diễn ra trong cuộc sống của tôi thường nhật và cả giấc mơ hôm nay – giấc mơ bình yên nhất khiến tôi chỉ muốn mình mơ mãi…

Post Comment