Văn mẫu lớp 9

Bình giảng khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Bình giảng khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Hướng dẫn

Đến với thơ từ khi mới 16 tuổi, sự nghiệp sáng tác của ông phôi thai và phát triển cực điểm cho đến tận hơi thở cuối cùng. Dù ở đề tài nào, người đọc vẫn tìm thấy chính cuộc đời thăng trầm, dâu bể của ông sau những vần thơ. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm nổi tiếng đã góp phần đưa tên tuổi của Hàn Mặc Tử bừng sáng giữa bầu trời lấp lánh sao của văn thơ Việt Nam buổi nào.

“Đây thôn Vĩ Dạ” được nhà thơ lấy cảm hứng từ sự khơi gợi về một kỷ niệm của người yêu cũ. Bài thơ có 12 câu, chia làm 3 khổ, mỗi khổ thơ như một bức tranh tuyệt đẹp về xứ Huế mộng mơ. Khổ đầu tiên là bức tranh hừng đông nơi thôn, khổ thứ hai là cảnh trăng về trên thôn và khổ cuối cùng là hoài niệm về người xưa nơi thôn Vĩ. Chúng ta cùng thưởng thức cảnh bình minh trên thôn Vĩ qua khổ thơ đầu để cảm nhận được sức sáng tạo tuyệt mĩ, hồn nhiên, trong trẻo lạ thường nơi tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Nhà thơ mở đầu bài bằng một câu hỏi tu từ đa phong cách “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Lời mời mọc tế nhị, kín đáo này của người con gái xứ Huế xinh đẹp và nên thơ, chở đầy sức hấp dẫn lạ kỳ. Đó cũng được xem là lời trách yêu của người con gái ấy đối với thi nhân. Câu thơ đầy ý nhị, với nỗi nhớ nhung da diết của cô thiếu nữ đang yêu, nhưng dù là lời mời, lời trách cứ hay lời nhắc yêu đi nữa vẫn dễ mến lạ lùng. Không lồ lộ, bỗ bã, nói anh về thăm em, mà nói anh về thăm thôn Vĩ, nhắc nhở anh rằng, hãy nhớ quê hương, anh nhớ quê hương thì anh nhớ em, nơi quê hương có em. Quê hương là em, thôn Vĩ là em và ngược lại.

Xem thêm:  Phân tích nghệ thuật tả người của Nguyễn Du qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều mà em đã được học

Câu thơ tiếp theo đã gợi lên trước mắt độc giả một bức tranh hừng đông nơi thôn Vĩ có "nắng mới lên" phơn phớt hồng đượm vẻ tinh khôi của bình minh long lanh trên những tàu cau còn đọng những giọt sương đêm.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Cau là loại cây thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu và thường được trồng ở trước nhà. Vì có dáng cao vút nên cây cau dễ dàng tiếp nhận những tia nắng đầu tiên của một ngày mới. Tác giả sử dụng nghệ thuật lặp từ ngữ "nắng…nắng". Bút pháp nghệ thuật giản dị nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc nhấn mạnh vẻ đẹp và cái thần của sắc nắng ban mai. Chỉ với một câu thơ tác giả đã làm hiện lên trước mặt người đọc những nét đẹp đầu tiên của vườn cây nơi thôn Vĩ. Cũng qua đó chúng ta cảm nhận sâu sắc cái nhìn âu yếm, thiết tha như chờ đón cái đẹp xuất hiện từ lưng chừng trời của thi nhân.

Ở câu thơ thứ ba, “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, “Ai” – đây là một đại từ nhân xưng phiếm chỉ được tác giả sử dụng để nói về khu vườn đẹp này chính là khu vườn nhà cô gái ông yêu. Với vhir một từ mà khẳng định được vẻ đẹp của khu vườn nhà người con gái mà mình từng đắm say mơ mộng, từng khao khát hạnh phúc lứa đôi. Tiếp sau đó nữa là “mướt quá”, giá trị của từ “mướt” trong câu thơ này gợi cái sắc vẻ bóng láng và mỡ màng nhìn thấy thích mắt của những lá cành vươn lên trong khu vườn trù mật, phì nhiêu được con người cần cù chăm sóc. Thêm vào đó, chữ "quá" làm tăng màu sắc biểu cảm của tứ thơ. Thông thường từ "quá" nói lên cái mức độ vượt ra ngoài ngưỡng trung bình. Nhưng ở câu thơ này, nó mang âm hưởng của một tiếng reo trong niềm sung sướng, ngất ngây, một lời trầm trồ buột ra tự nhiên khi chợt nhận ra một vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn ở một khoảnh khắc đặc biệt. Cùng với nghệ thuật so sánh từ "xanh như ngọc", nhà thơ càng làm tăng cái vẻ đẹp đến thanh cao, quý phái của khu vườn, mơn mởn dưới ánh sáng bình minh.

Xem thêm:  Tả cảnh đường phố vào buổi sáng

Câu thơ cuối khổ là một khám phá nghệ thuật độc đáo và rất đẹp của thi sĩ Hàn Mặc Tử “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Mới đọc xong câu thơ, chúng ta thườn nghĩ ngay đến là tác giả đang ca tụng khuôn mặt chữ điền nào đó thấp thoáng sau nhành trúc. Mặt chữ điền chỉ tướng mạo đẹp của một người có bản chất tốt, phúc hậu, thủy chung. Nhưng nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen kia thì e rằng chưa thực thấu hiểu hết suy tư của tác giả. Cần hiểu câu thơ theo nghĩa của nghệ thuật cách điệu hóa chứ không phải tả thực, tuy cách điệu hóa cũng xuất phát từ hiện thực. Cách điệu hóa thường chỉ giữ lại một dáng điệu, cái đường nét chung của sự vật, từ đó, sáng tạo nên một hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp của sự vật ấy. Ở đây thi nhân muốn diễn tả những gương hiền lành, phúc hậu thấp thoáng sau tre trúc nơi vườn cây cảnh, cây trái xinh đẹp ở thôn Vĩ Dạ mỗi buổi sớm mai.

Sâu xa hơn nữa, ẩn sau mỗi ý thơ là nỗi niềm luyến tiếc, vấn vương về cái đẹp của cảnh và người xứ Huế ở thôn Vĩ, sông Hương đối với nhà thơ tại thời điểm ấy chỉ còn là hoài niệm. Tình cảm yêu quý, trân trọng của thi nhân gửi gắm qua cái nhìn cảnh vật ấy, chợt gợi nhớ, gợi thương trong tâm hồn độc giả chúng ta hai câu thơ của Bích Khê:

Xem thêm:  Bài viết về chủ đề Vì hạnh phúc con người

"Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn

Biếc che cần trúc không buồn mà say."

(Huế đa tình)

Bức ảnh phong cảnh Huế của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử là nguồn cảm hứng để tác giả cho ra đời bài thơ. Người gửi đã nhiều thâm tình, người nhận được – nhà thơ lại càng sắc sảo hơn. Tác giả nghe như có lời mời mọc, lời trách yêu, hờn dỗi vang lên của người con gái xứ Huế. Từ đó ùa về trong tâm tưởng của ông, khung cảnh thôn Vĩ hừng đông vần vật nhựa sống. Phải là một con người yêu Huế mãnh liệt, nồng nàn, găn bó máu thịt với thôn Vĩ, sông Hương, thi nhân Hàn Mặc Tử mới lột tả cảnh và người xứ Huế có hồn đến thế. Và cái làm cho người đọc thực sự cảm kích cũng chính cái đẹp nhất của đoạn thơ là "tâm hồn tác giả luôn hướng về cái thánh thiện, khát khao với cái đẹp của tình người, tình đời dù xa xôi mờ ảo."

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Post Comment