Đề bài: Anh chị có cho rằng thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến và Việt? – Bài tập làm văn số 6 lớp 12
Bài làm
Trong thiên truyện Những đứa con trong gia đình của mình, Nguyễn Thi đã vẽ nên một dòng sông. Dòng sông ấy không chỉ là một cảnh đẹp đơn thuần mà nó mang một ý nghĩa truyền thống vô cùng to lớn. Sự chảy trôi của dòng sông giống như sự chảy trôi của cuộc đời. Nó chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến và Việt.
Dòng sông trong thiên truyện chảy dài xuyên suốt. Mỗi một khúc của dòng sông được ví như một con người trong gia đình của hai chị em Chiến và Việt. Chính nhờ những khúc sông ấy mà dòng sông được nối dài thêm mãi. Chắc chắn, dòng sông sẽ còn được tiếp nối với những thế hệ mai sau nữa chứ không chỉ dừng hại ở hai chị em Chiến, Việt. Chiến và Việt sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Tổ tiên của hai em là những khúc sông lớn. Họ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ đất nước. Nhưng ngọn lửa căm thù giặc, ý chí sục sôi đánh giặc cứu nước của họ vẫn tiếp tục chảy. Chiến và Việt chính là những khúc sông tiếp nỗi cho dòng chảy ấy thêm siết.
Nhắc đến dòng sông không thể không nhắc đến chú Năm bởi chính chú Năm đã là người kết tinh cho con sông truyền thống ấy. Chú Năm sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Bến Tre, con sông là nơi mà chú đã mưu sinh. Nhân vật chú Năm giống như hình mẫu điển hình của một ông già Nam Bộ có tình, có nghĩa, một người chất phác giàu đạo lý, giàu tình cảm. Chú Năm chẳng có mong ước gì cao sang cho bản thân mình. Cái mong ước duy nhất của chú là con sông truyền thống được lưu truyền cho thế hệ mai sau chính là chị em Chiến, Việt. Hình ảnh giao lại cuốn sổ gia đình mà chú Năm ao ước chính là hình ảnh thể hiện cho niềm mong ước ấy của chú Năm. Lời răn đe của chú Năm rằng “thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu” không chỉ thể hiện tình yêu thương với người đã khuất mà còn thể hiện được lòng sục sôi căm thù quân giặc. Những câu chuyện về những đứa con trong gia đình được chú Năm ghi lại một cách tỉ mỉ, sinh động là cách mà Nguyễn Thi tố cáo tội ác của giặc Tây.
Chảy cùng với khúc sông chú Năm trong gia đình của Chiến và Việt là khúc sông mẹ Việt. Mẹ của Việt là người con gái đậm chất Nam Bộ. Bà chịu thương, chịu khó tần tảo sớm hôm để nuôi con và để đánh giặc. Đối với giặc, những người phụ nữ Nam Bộ như mẹ Việt là những kẻ gan lì, cộc cằn, nhưng đối với chồng thì họ lại dịu hiền, thùy mị. Chính trong hoàn cảnh gian khó, ác liệt của chiến tranh đã khiến cho người phụ nữ ấy quên đi nỗi sợ của bản thân mình. Tất cả trong suy nghĩ chỉ là về chồng, về con, là tình thương dành cho người thân trong gia đình. Nhìn vào hình ảnh mẹ Việt, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến những người phụ nữ Việt Nam thời chiến như chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), chị Dậu (Tắt Đèn), chị Sứ (Hòn đất). Mẹ Việt chính là khúc sông mà khi soi vào ta như thấy được bóng dáng của những người phụ nữ thời chiến anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Chiến giống như một bản sao của mẹ mình từ ngoại hình cho tới tính cách. Việt thì trẻ hơn, nhỏ hơn nên trong khúc sông Việt vẫn còn nét gì đó vô tư, ngây thơ của những đứa trẻ mới lớn. Nhưng dù còn trẻ, còn nhỏ thì trong tâm thức của cả Chiến và Việt đều có cái máu gọi là máu anh hùng. Cả hai cùng muốn được ra trận, cùng muốn được lập công để trả thù cho cha và mẹ. Chiến và Việt là đại diện cho lớp người trẻ tuổi dám xông pha ra trận. Khúc sông này sẽ còn tiếp nối và chảy dài. Họ là niềm hy vọng không chỉ của gia đình mà của cả đất nước.
Dòng sông của gia đình Chiến và Việt rồi cũng sẽ chảy ra biển lớn. Biển lớn ở đây chính là biển cách mạng của người dân cả nước. Dòng chảy của sông giống như dòng chảy của máu. Chỉ cần giặc còn ở đây, nước nhà còn lâm nguy thì dòng chảy còn sục sôi.
Nhã Đan